Quốc hội thảo luận về vấn đề an toàn thực phẩm

Ngày 5/6, Quốc hội dành cả ngày thảo luận về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011 - 2016”. Đây là vấn đề lớn, nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận

 

Theo thống kê từ báo cáo kết quả giám sát, trong giai đoạn 2011 - 2016, về ATTP, đã có 158 văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan T.Ư ban hành, trong đó có 8 văn bản luật của Quốc hội, 34 nghị định hướng dẫn thi hành của Chính phủ, 8 thông tư liên tịch, hơn 100 thông tư của các bộ liên quan. Các địa phương đã ban hành 1.253 văn bản quản lý pháp luật chỉ đạo, điều hành công tác ATTP trên địa bàn.

Qua giám sát cũng cho thấy, các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra đột xuất theo chuyên ngành, đã phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm pháp luật về ATTP. Theo thống kê, cả nước đã thành lập được 153.493 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các ngành chức năng, tiến hành kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm, chiếm 20,5% số cơ sở tiến hành kiểm tra. Đây là tỷ lệ vi phạm rất cao, dù cũng chưa phản ánh hết tất cả các vi phạm về ATTP trong thực tế. Ở một số địa phương, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm diễn ra khá nghiêm trọng.

Kết quả giám sát cũng chỉ ra, công tác thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP bộc lộ không ít những tồn tại yếu kém. Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của các cấp còn chưa thường xuyên; bộ máy quản lý ATTP còn một số bất cập cả về tổ chức, nguồn lực và cơ chế phối hợp. Việc quản lý ATTP đối với rau, quả, thịt, sản phẩm thịt tươi sống, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật còn là khâu yếu. Trong khi đó, việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại về ATTP còn thụ động; xử lý vi phạm chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe…

“Tình trạng vi phạm quy định ATTP khá phổ biến, ATTP có lúc, có nơi đã đến giới hạn báo động - giới hạn đỏ”, đó là nhận định được đưa ra qua giám sát.

Phải kiểm tra từ khâu đầu vào

Trong nhiều nguyên nhân được đoàn giám sát chỉ ra, có cả thực trạng một số cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ còn chưa nghiêm; có biểu hiện né tránh, ngại va chạm, thậm chí có dấu hiệu “bảo kê”, bao che. Mặc dù số vụ vi phạm là nhiều, có nhiều vụ nghiêm trọng xong việc xử phạt không tương xứng với mức độ vi phạm… Như nhiều ý kiến đã nhận định, nguyên nhân, trách nhiệm là do cơ quan quản lý Nhà nước, trách nhiệm của các bộ liên quan, rồi chính quyền địa phương trong chỉ đạo kiểm tra xử lý chưa đáp ứng yêu cầu và cả trách nhiệm của người dân.

Từ thực tế cho thấy, vẫn có tình trạng người dân trồng rau luống này để ăn, luống kia để bán, cho nên cần cần nâng cao vai trò kiểm tra, kiểm soát, thanh tra từ trang trại cho tới bàn ăn, nên sự phối hợp liên ngành là vô cùng quan trọng. Do đó cần kiểm tra từ khâu “đầu vào”, và bảo quản tiêu thụ sản phẩm chứ không phải “đầu cuối” là khâu chế biến. Đoàn giám sát cũng đề nghị, Quốc hội sớm tổng kết đánh giá 5 năm triển khai thi hành Luật ATTP và các văn bản pháp luật có liên quan để sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Đề xuất cơ chế, chính sách cho người dân và DN liên kết chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn… Đồng thời, xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý chất lượng, ATTP theo đúng phân cấp quản lý. Xây dựng văn bản, quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các ngành nhằm phát huy hiệu quả tối đa công tác chủ động kiểm soát chất lượng, ATTP theo chuyên môn và các lĩnh vực chuyên ngành phụ trách…

Tính từ năm 2011 đến tháng 10/2016, cả nước đã ghi nhận 1.007 vụ ngộ độc thực phẩm với 30.395 người mắc, 25.617 người đi viện và 164 người chết. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm chủ yếu do vi sinh vật, do độc tố tự nhiên, do hóa chất và có đến 268 vụ không xác định được nguyên nhân gây ngộ độc.

Theo Trần Hà

Kinh tế đô thị

Ý kiến của bạn

   Mã xác nhận  

Các tin khác