Hội thảo tham vấn các vị Đại biểu Quốc hội, Cơ quan Nhà nước, Cộng đồng doanh nghiệp đối với dự án Luật hỗ trợ DNNVV.

Trong 3 ngày từ ngày 9/6 đến 11/6 năm 2016 tại Tp Hồ Chí Minh, được sự hỗ trợ của dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID – Hoa Kỳ). Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban kinh tế Quốc hội chủ trì phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức Hội thảo Tham vấn các Đoàn đại biểu quốc hội, các cơ quan Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa tại khu vực phía Nam đối với dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 
 

Ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam ngoài cùng bên trái.

 
Tham dự và chủ trì tọa đàm có ông Đặng Huy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, Phó trưởng Ban soạn thảo dự án Luật, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thành viên Ban soạn thảo; ông  Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Ông Nguyễn Ngọc Bảo - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng đại diện nhiều cơ quan đơn vị của Bộ Kế hoạc và Đầu tư cơ quan chủ trì soạn thảo và đại diện các bộ ngành, các Hiệp hội của doanh nghiệp.
 
Hội thảo  diễn ra theo 3 chuyên đề; (1) Tham vấn các Đoàn đại biểu quốc hội, các cơ quan nhà nước đối với những chính sách phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; ( 2) Tham vấn các tổ chức Hiệp hội đối với vai trò tham gia của các tổ chức đại diện doanh nghiệp vào công tác hỗ trợ DNNVV; (3) Tham vấn cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa về  nội dung, nhu cầu cần hỗ trợ;
 
Phát biểu, góp ý tại hội thảo, hầu hết các ý kiến đại biểu tham dự tại TPHCM đều mong muốn dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) sớm hoàn thiện trình Quốc hội  thông qua trong thời gian sớm nhất, nhiều đại biểu cho rằng lẽ ra dự án Luật này phải được ban hành sớm hơn, bởi nhiều quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapo, Malaixia đã có Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa từ khá lâu rồi. Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước chưa được quan tâm đúng mức, cần hỗ trợ đến nơi đến chốn. "Phải xem phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa có ý nghĩa chiến lược trong quá trình công nghiệp hóa đất nước, chứ không có nghĩa là Nhà nước hỗ trợ cho một bộ phận yếu thế nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của họ", ông Lịch nêu ý kiến, và cho rằng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển vừa có ý nghĩa kinh tế, nhưng quan trọng hơn là thúc đẩy sự tiến bộ và công bằng xã hội”. Cũng theo Ông Lịch có bốn nhóm hỗ trợ mang ý nghĩa then chốt tạo nên nền tảng giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững gồm: tín dụng, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, và tiếp cận thị trường, tuy nhiên cách thức hỗ trợ như thế nào phải căn cứ vào tình hình thực tế của Việt Nam ;Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội, cũng cho rằng cần sớm có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc hỗ trợ về tài chính là điều cần thiết, nhưng không vi phạm các cam kết FTA mà Việt Nam đã tham gia ký kết và điều quan trọng hơn mà doanh nghiệp quan tâm, trông chờ nhiều ở sự cải cách về thủ tục hành chính, tinh thần làm việc phục vụ công tâm, nhiệt tình dành cho doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ công chức.
 
Phát biểu tại hội thảo ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho rằng một khi có sự khác nhau về luật trong chính sách hỗ trợ cho DNNVV thì cần áp dụng Luật hỗ trợ DNNVV vì đây là vấn đề quan trọng để khắc phục tình trạng mâu thuẫn giữa các luật chuyên ngành đang tồn tại hiện nay, đồng thời Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải  định vị được vai trò vị trí của các tổ chức đại diện doanh nghiệp, các Hiệp hội doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bởi suy cho cùng thì nguồn lực nhà nước thì có hạn, trong khi đó Nhà nước chỉ đóng vai trò kiến tạo, tạo cơ chế chính sách và có những nguồn lực hỗ trợ mang tính “ bệ phóng”, “ lực đẩy” còn nhiệm vụ hỗ trợ cho hội viên vai trò chính vẫn thuộc về các tổ chức đại diện doanh nghiệp. Đây là vấn đề rất quan trọng để tạo sự thống nhất.
 
Cũng tại hội thảo nhiều đại biểu còn băn khoăn với hộ kinh doanh cá thể có đưa vào đối tượng điều chỉnh của Luật không? Vấn đề tăng cường năng lực cho các Quỹ để đáp ứng nhiệm vụ hỗ trợ DNNVV, vấn đề nhiều quy định về nội dung hỗ trợ trong dự thảo luật đưa ra  có đảm bảo tính thực tế không?
 
Được biết cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa cả nước đang rất mong chờ cho sự ra đời của dự án Luật này, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế của VN đang diễn ra mạnh mẽ, Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh cải cách, thúc đẩy khu vực kinh tế  tư nhân theo tinh thần Nghị quyết đại hội Đảng khóa XII. Theo kế hoạch Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa này sẽ hoàn thiện để trình xin ý kiến các thành viên Chính phủ trong phiên họp tháng 7 năm 2016 và  trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ 2 tháng 10 năm 2016.

Ý kiến của bạn

   Mã xác nhận  

Các tin khác