Phiên họp thứ 50 của UBTVQH cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và 2017
Sáng ngày 12/7/2016, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức Phiên họp thứ 50 để cho ý kiến về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
Tham dự Phiên họp, có Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội. Về phía Chính phủ, có đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng; đồng chí Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; đồng chí Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Khắc Định; đồng chí Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Huy Đông và đại diện của một số bộ có liên quan.
Tại Phiên họp, sau khi nghe đồng chí Nguyễn Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thay mặt Ủy ban Pháp luật trình bày dự thảo Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 thì các Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội và đại biểu tham dự Phiên họp đã thảo luận, trao đổi ý kiến.
Về cơ bản, các ý kiến phát biểu đều nhất trí với đánh giá về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian qua được nêu trong dự thảo Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo đó, trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tập trung, nỗ lực thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp và cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đã đặt ra. Thể chế hóa đường lối của Đảng, đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), cùng với việc thông qua Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều luật, bộ luật nhằm cụ thể hóa Hiến pháp, cơ bản hoàn thiện hệ thống pháp luật trên các lĩnh vực, nhất là các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động lập pháp vẫn còn những hạn chế chậm được khắc phục, như Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn phải điều chỉnh thường xuyên; tính khả thi của quy định trong một số đạo luật chưa cao; việc triển khai thực hiện luật còn phải phụ thuộc vào văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành...
Liên quan đến dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, đa số ý kiến phát biểu tại cuộc họp đều nhất trí bổ sung vào Chương trình năm 2016 các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết sau đây: (1) Nghị quyết của Quốc hội về bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 2 theo quy trình tại một kỳ họp); (2) Luật quy hoạch (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2); (3) Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án (trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tháng 11/2016). Đồng thời, nhất trí rút 05 dự án ra khỏi Chương trình năm 2016 là: (1) Luật năng lượng nguyên tử (sửa đổi); (2) Luật chứng thực; (3) Luật biểu tình; (4) Luật về máu và tế bào gốc; (5) Luật quốc phòng (sửa đổi).
Có ý kiến đề nghị chưa bổ sung dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công và dự án Luật ban hành quyết định hành chính vào Chương trình năm 2016.
Riêng đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội về nội dung của dự án Luật ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV để Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét. Nếu thấy thực sự cần thiết và hồ sơ đã chuẩn bị kỹ thì Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ quyết định việc bổ sung vào Chương trình năm 2016, trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí giữ nguyên phạm vi sửa đổi và tên gọi dự án Luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 theo đúng Nghị quyết số 89/2015/QH13 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 (mà không mở rộng phạm vi sửa đổi toàn diện theo đề nghị của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường). Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ xem xét về mặt nội dung của dự án Luật. Trường hợp thấy không cần thiết phải mở rộng phạm vi sửa đổi và nội dung sửa đổi đơn giản thì Quốc hội sẽ quyết định xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 2 theo quy trình một kỳ họp. Trường hợp thấy cần thiết phải mở rộng phạm vi và nội dung sửa đổi phức tạp thì Quốc hội sẽ quyết định xem xét, thông qua theo quy trình hai kỳ họp.
Về Chương trình năm 2017, các đại biểu tham dự Phiên họp cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết do Ủy ban Pháp luật chuẩn bị liên quan đến dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, trừ dự án luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ (giữ nguyên tên gọi, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, mà không phải là đổi tên thành Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) như dự thảo Nghị quyết). Theo dự thảo Nghị quyết, một số dự án luật do Chính phủ đề xuất sẽ không được đưa vào Chương trình năm 2017 như Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật biểu tình; Luật về máu và tế bào gốc; Luật thư viện; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thanh niên; Luật bảo vệ thông tin cá nhân; Luật dân số; Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật dân tộc... Đối với dự án Luật dân tộc, dự thảo Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu: “Chính phủ đề nghị cần ban hành Luật này nhằm pháp điển hóa các quy định về chính sách dân tộc trong một số văn bản luật, tạo thuận lợi cho việc áp dụng. Tuy nhiên, ý kiến về sự cần thiết ban hành Luật này cũng còn rất khác nhau. Dự án luật này đã được đưa vào Chương trình nhiều nhiệm kỳ nhưng đến nay vẫn chưa xác định rõ phạm vi và đối tượng điều chỉnh. Vì vậy, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị và sẽ trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khi đủ điều kiện theo quy định”. Đối với dự án Luật dân số, Luật thư viện, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thanh niên, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là các dự án đã được đưa vào Chương trình từ lâu; tuy nhiên, quá trình chuẩn bị cho thấy, các dự án luật này có phạm vi điều chỉnh rộng, nhiều vấn đề phức tạp, ý kiến còn khác nhau, có vấn đề liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực nên cần có nhiều thời gian để nghiên cứu làm rõ.
Tại Phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận về việc áp dụng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với việc soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Theo đề nghị của Chính phủ và Ủy ban Pháp luật thì việc soạn thảo, thẩm định các dự án luật, pháp lệnh được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 được thực hiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Lý do là vì: Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016) quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh khác với quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004, cụ thể như sau: Luật năm 2015 quy định luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trước khi soạn thảo phải lập đề nghị xây dựng văn bản, trong đó phải thực hiện một số nhiệm vụ như: tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động của chính sách, thẩm định chính sách, thông qua chính sách… Tuy nhiên, theo quy định của Luật năm 2008 và Luật năm 2004 thì những công việc này được tiến hành trong quá trình soạn thảo văn bản. Trong khi đó, các dự án luật, pháp lệnh được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 được lập đề nghị xây dựng theo quy định của Luật năm 2008. Do vậy, kể từ ngày 01/7/2016, nếu áp dụng quy định mới của Luật năm 2015 cho việc soạn thảo, trình các dự án, dự thảo văn bản nêu trên sẽ gây khó khăn, lúng túng cho cơ quan chủ trì soạn thảo và có thể làm chậm tiến độ soạn thảo dự án, dự thảo văn bản.
Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại Phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Pháp luật tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Dự kiến, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
Về cơ bản, các ý kiến phát biểu đều nhất trí với đánh giá về tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian qua được nêu trong dự thảo Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo đó, trong nhiệm kỳ khóa XIII, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tập trung, nỗ lực thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp và cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đã đặt ra. Thể chế hóa đường lối của Đảng, đặc biệt là Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), cùng với việc thông qua Hiến pháp năm 2013, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều luật, bộ luật nhằm cụ thể hóa Hiến pháp, cơ bản hoàn thiện hệ thống pháp luật trên các lĩnh vực, nhất là các luật về tổ chức bộ máy nhà nước, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động lập pháp vẫn còn những hạn chế chậm được khắc phục, như Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn phải điều chỉnh thường xuyên; tính khả thi của quy định trong một số đạo luật chưa cao; việc triển khai thực hiện luật còn phải phụ thuộc vào văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành...
Liên quan đến dự kiến điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, đa số ý kiến phát biểu tại cuộc họp đều nhất trí bổ sung vào Chương trình năm 2016 các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết sau đây: (1) Nghị quyết của Quốc hội về bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 2 theo quy trình tại một kỳ họp); (2) Luật quy hoạch (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2); (3) Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án (trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tháng 11/2016). Đồng thời, nhất trí rút 05 dự án ra khỏi Chương trình năm 2016 là: (1) Luật năng lượng nguyên tử (sửa đổi); (2) Luật chứng thực; (3) Luật biểu tình; (4) Luật về máu và tế bào gốc; (5) Luật quốc phòng (sửa đổi).
Có ý kiến đề nghị chưa bổ sung dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công và dự án Luật ban hành quyết định hành chính vào Chương trình năm 2016.
Riêng đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị và báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội về nội dung của dự án Luật ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV để Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét. Nếu thấy thực sự cần thiết và hồ sơ đã chuẩn bị kỹ thì Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ quyết định việc bổ sung vào Chương trình năm 2016, trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí giữ nguyên phạm vi sửa đổi và tên gọi dự án Luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 theo đúng Nghị quyết số 89/2015/QH13 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 (mà không mở rộng phạm vi sửa đổi toàn diện theo đề nghị của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường). Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ xem xét về mặt nội dung của dự án Luật. Trường hợp thấy không cần thiết phải mở rộng phạm vi sửa đổi và nội dung sửa đổi đơn giản thì Quốc hội sẽ quyết định xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 2 theo quy trình một kỳ họp. Trường hợp thấy cần thiết phải mở rộng phạm vi và nội dung sửa đổi phức tạp thì Quốc hội sẽ quyết định xem xét, thông qua theo quy trình hai kỳ họp.
Về Chương trình năm 2017, các đại biểu tham dự Phiên họp cơ bản nhất trí với dự thảo Nghị quyết do Ủy ban Pháp luật chuẩn bị liên quan đến dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, trừ dự án luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chuyển giao công nghệ (giữ nguyên tên gọi, phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, mà không phải là đổi tên thành Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) như dự thảo Nghị quyết). Theo dự thảo Nghị quyết, một số dự án luật do Chính phủ đề xuất sẽ không được đưa vào Chương trình năm 2017 như Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật biểu tình; Luật về máu và tế bào gốc; Luật thư viện; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thanh niên; Luật bảo vệ thông tin cá nhân; Luật dân số; Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật dân tộc... Đối với dự án Luật dân tộc, dự thảo Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội nêu: “Chính phủ đề nghị cần ban hành Luật này nhằm pháp điển hóa các quy định về chính sách dân tộc trong một số văn bản luật, tạo thuận lợi cho việc áp dụng. Tuy nhiên, ý kiến về sự cần thiết ban hành Luật này cũng còn rất khác nhau. Dự án luật này đã được đưa vào Chương trình nhiều nhiệm kỳ nhưng đến nay vẫn chưa xác định rõ phạm vi và đối tượng điều chỉnh. Vì vậy, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị và sẽ trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khi đủ điều kiện theo quy định”. Đối với dự án Luật dân số, Luật thư viện, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thanh niên, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là các dự án đã được đưa vào Chương trình từ lâu; tuy nhiên, quá trình chuẩn bị cho thấy, các dự án luật này có phạm vi điều chỉnh rộng, nhiều vấn đề phức tạp, ý kiến còn khác nhau, có vấn đề liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực nên cần có nhiều thời gian để nghiên cứu làm rõ.
Tại Phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận về việc áp dụng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đối với việc soạn thảo, trình các dự án luật, pháp lệnh được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Theo đề nghị của Chính phủ và Ủy ban Pháp luật thì việc soạn thảo, thẩm định các dự án luật, pháp lệnh được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 được thực hiện theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008. Lý do là vì: Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/7/2016) quy định về trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh khác với quy định trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004, cụ thể như sau: Luật năm 2015 quy định luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trước khi soạn thảo phải lập đề nghị xây dựng văn bản, trong đó phải thực hiện một số nhiệm vụ như: tổng kết thi hành pháp luật, đánh giá tác động của chính sách, thẩm định chính sách, thông qua chính sách… Tuy nhiên, theo quy định của Luật năm 2008 và Luật năm 2004 thì những công việc này được tiến hành trong quá trình soạn thảo văn bản. Trong khi đó, các dự án luật, pháp lệnh được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 được lập đề nghị xây dựng theo quy định của Luật năm 2008. Do vậy, kể từ ngày 01/7/2016, nếu áp dụng quy định mới của Luật năm 2015 cho việc soạn thảo, trình các dự án, dự thảo văn bản nêu trên sẽ gây khó khăn, lúng túng cho cơ quan chủ trì soạn thảo và có thể làm chậm tiến độ soạn thảo dự án, dự thảo văn bản.
Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại Phiên họp, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Pháp luật tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Dự kiến, tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
Li Mi
Ý kiến của bạn