Hội nghị đối thoại giải đáp những vướng mắc trong thực hiện pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Thực hiện kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2019, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các khó khăn về thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai, tài chính và các thông tin, chính sách hỗ trợ khi đầu tư vào nông nghiệp nông thôn; trong khuôn khổ triển khai nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp thuộc Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 ( gọi tắt là Chương trình 585) được sự đồng ý của Ban quản lý Chương trình. Ngày 17/7/2019 Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực , Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận và các Sở ngành có liên quan tổ chức “ Hội nghị đối thoại giải đáp những vướng mắc trong thực hiện pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”

Tham dự hội nghị có gần 100 đại biểu đến từ các doanh nghiệp nông nghiệp, các hợp tác xã, hộ kinh doanh làm kinh tế trang trại, đại diện các Sở ngành, Hội nông dân các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Đại diện lãnh đạo Trung tâm và Lãnh đạo Hội nông dân tỉnh Bình Thuận chủ trì hội nghị.

Hội nghị đã được nghe các chuyên gia, diễn giả được mời, trao đổi về các thông tin chính sách, pháp luật liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp,nông thôn. Theo đó, các chính sách của Việt Nam hiện hành có tác động tới đối tượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này, bao gồm Nghị định 57/2018/NĐ-CP, Quyết định 68/QĐ-TTg năm 2017 về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 và Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các chính sách về ưu đãi đầu tư trong Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Khoa học Công nghệ….

 Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có vai trò đặc biệt đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn vì không chỉ là nơi tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động, tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn góp phần vào công cuộc CNH-HĐH nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu nông nghiệp nước nhà theo hướng nâng cao giá trị gia tăng đi liền với bảo vệ môi trường.

Trong giai đoạn tới, trước bối cảnh hội nhập sâu rộng, cạnh tranh giữa các nền kinh tế đang diễn ra sôi động, doanh nghiệp nông nghiệp được xác định có vai trò “trụ cột” trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nước ta theo hướng hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Gần 10 năm qua, kể từ khi Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5/8/2008  được ban hành, sự phát triển các doanh nghiệp trong nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nông nghiệp.Một trong những nguyên nhân là môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nông nghiệp còn thiếu đồng bộ, chồng chéo giữa các Luật liên quan đến đất đai, đầu tư, chưa tạo ra động lực đủ mạnh để thu hút nhà đầu tư vào khu vực nông nghiệp.

Nhận thức được vai quan trọng của doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đảng và Nhà Nước đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Luật đất đai 2013, Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ năm 2017, … đặc biệt là việc sửa đổi, bổ sung các ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng đơn giản hoá, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 19 và 35 của Chính phủ. Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 có một số điểm mới như: (1) Bổ sung các phương thức hỗ trợ (8 phương thức) và 3 nội dung hỗ trợ (bổ sung hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ thuế) theo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; (2) Đơn giản hóa thủ tục hành chính: Các thủ tục hành chính cơ bản được rà soát và lồng ghép thủ tục để rút xuống còn 10 bước (giảm 03 thủ tục về xây dựng; 02 thủ tục về đầu tư; 01 thủ tục về thẩm tra công nghệ); (3) Rà soát giảm các điều kiện hỗ trợ: Về quy mô, công suất dự án (như giá trị gia tăng sau chế biến giảm từ 2 xuống 1,5 lần; tỷ lệ lao động địa phương, quy mô công suất cơ sở chế biến nông sản được giao địa phương căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để quy định phù hợp;(4) Tại điều 13 của Nghị định đã quy định bổ sung đối tượng dự án dịch vụ công và kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn nhằm thu hút hơn nữa nguồn lực xã hội đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước như Dự án xử lý môi trường làng nghề, Dự án cấp nước sạch nông thôn, Dự án nuôi trồng thủy sản,...;(5) Đặc biệt về nguồn vốn ngân sách nhà nước dự kiến thực hiện chính sách: Đã được quy định cụ thể tại Điều 14 Nghị định: Với yêu cầu bố trí hàng năm tối thiểu 5% vốn chi đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương và tối thiểu 5% vốn chi ngân sách địa phương cho ngành nông nghiệp để thực hiện chính sách quy định tại Nghị định 57/2018/NĐ-CP và Thông tư số 04/2018/TT-BKHĐT ngày 06/12/2018.

Trên cơ sở các nội dung các diễn giả trình bày các đại biểu đã thảo luận, phản ánh và đặt ra câu hỏi, chủ trì đối thoại và các chuyên gia đến từ các sở, ban, ngành căn cứ các quy định của pháp luật có liên quan và tình hình thực tiễn ở địa phương đã có những câu trả lời xác đáng, đáp ứng một phần yêu cầu của đại biểu dự hội nghị đối thoại.

Kết thúc hội nghị, các đại biểu đánh giá cao về chất lượng tổ chức cũng như nội dung của hội nghị.

Lê Thu


 

 

Ý kiến của bạn

   Mã xác nhận  

Các tin khác