Tọa đàm duy trì mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp chuyên đề về thực thi chính sách pháp luật về an toàn vệ sinh lao động tại tỉnh Quảng Ngãi

Thực hiện kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2019, nằm trong khuôn khổ thực hiện Đề án thiết lập mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp, thuộc Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 ( gọi tắt là Chương trình 585), được sự đồng ý của Ban quản lý Chương trình. Ngày 12/9/2019 Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã phối hợp với Sở Lao động Thương binh và xã hội tỉnh Quảng Ngãi và các Sở ngành có liên quan tổ chức “Tọa đàm giữa các công tác viên tham gia Mạng lưới Tư vấn pháp luật với doanh nghiệp về giải pháp duy trì mạng lưới TVPL cho doanh nghiệp và trao đổi chuyên đề về thực thi pháp luật về An toàn về sinh lao động trong doanh nghiệp”

Tham dự hội nghị có gần 100 đại biểu đến từ các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tại Quảng Ngãi, đại diện các Phòng ban của Sở Lao động, đại diện Hội doanh nghiệp tỉnh, Đoàn luật sư, một số chi hội doanh nghiệp các huyện, các luật sư, luật gia, cộng tác viên tham gia mạng lưới TVPL,  Đại diện lãnh đạo Trung tâm  hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực và Lãnh đạo Sở lao động thương binh và xã hội tỉnh Quảng Ngãi và chuyên gia đến từ Hội khoa học kỹ thuật an toàn Vệ sinh lao động Việt Nam đồng chủ trì hội nghị.

Hội nghị đã được nghe đại diện lãnh đạo Trung tâm hỗ trợ pháp luật và phát triển nguồn nhân lực, thành viên Ban soạn thảo và Tổ Biên tập Nghị định, trình bày về quá trình xây dựng và ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thay thế  Nghị định số 66/2008/NĐ – CP, theo đó Nghị định được ban hành trên cơ sở căn cứ vào khoản 3 Điều 14 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 quy định: các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện các hoạt động sau đây để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: a) Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về pháp luật; b) Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý để cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật. Trên cơ sở đó Luật đã giao Chính phủ hướng dẫn thi hành điều này.

Một trong những nội dung quan trọng của hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là việc Thiết lập mạng lưới TVPL cho doanh nghiệp, hoạt động này  sẽ được căn cứ và cả Nghị đinh số 55/2019/NĐ CP và Nghị định số 39/2018/NĐ –CP về hướng dẫn một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và thông tư số 06/TT – BKHĐT ngày 29/3/2019 hướng dẫn việc tổ chức và hoạt động của mạng lưới tư vấn viên; hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua mạng lưới tư vấn viên theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Sau khi nghe giới thiệu những nội dung mới về Nghị định 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thông tư 06/TT – BKHĐT ngày 29/3/2019 hướng dẫn việc tổ chức và hoạt động của mạng lưới tư vấn viên; hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua mạng lưới tư vấn viên, các đại biểu và tư vấn viên đã thảo luận chuyên đề “Chính sách pháp luật về an toàn vệ sinh lao động trong doanh nghiệp, liên quan đến thực thi Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015”. Mở đầu chuyên đề, Đại diện Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh Quảng Ngãi đã có báo cáo về tình hình công tác ATVSLĐ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, trong đó với tốc độ phát triển nhanh, số lượng lao động lớn, nhiều năm qua, Quảng Ngãi hết sức coi trọng công tác ATVSLÐ. Quảng Ngãi đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông, tuyên truyền giáo dục pháp luật về ATVSLÐ đến các doanh nghiệp, người lao động và đông đảo người dân nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của mọi người trong việc tuân thủ chính sách, pháp luật. Hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLÐ năm 2019 (từ ngày 1 đến 31-5), với chủ đề "Tăng cường đánh giá, quản lý các nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc", Quảng Ngãi đã yêu cầu các cấp, ngành, đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực hướng về doanh nghiệp, cơ sở lao động và người lao động trong cả khu vực có hợp đồng và lao động tự do. Thời gian tới, Sở Lao động sẽ phối hợp với các đại diện doanh nghiệp sẽ tập trung tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao hơn nữa ý thức của người lao động, chủ sử dụng lao động trong công tác ATVSLÐ, phòng ngừa nguy cơ TNLÐ trong sản xuất, kinh doanh. Ðồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm chính sách pháp luật về ATVSLÐ; tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm ATVSLÐ. Thực tế cho thấy, hầu hết các vụ TNLÐ trong đều do chủ đầu tư và người lao động chưa tuân thủ nghiêm các quy định về an toàn lao động. Doanh nghiệp để xảy ra TNLÐ thường vi phạm "ba không", đó là không xây dựng quy trình, biện pháp an toàn khi làm việc; không huấn luyện hoặc huấn luyện ATLÐ chưa đầy đủ cho người lao động; không có thiết bị bảo đảm an toàn. Còn với khu vực lao động tự do, công tác bảo đảm ATVSLÐ thường bị "bỏ qua", nhất là tại các công trình xây dựng. Mặt khác, việc các doanh nghiệp, chủ đầu tư được báo trước khi có các đoàn thanh tra đến cũng là nguyên nhân gián tiếp khiến TNLÐ gia tăng, bởi không ít sai sót trong công tác bảo đảm an toàn lao động đã bị bưng bít, che đậy; đồng thời làm giảm hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra thanh tra.

Trên cơ sở các nội dung trình bày của Sở Lao động TB&XH tỉnh Quảng Ngãi và chuyên gia, các đại biểu đã thảo luận, phản ánh và đặt ra câu hỏi, với các chuyên gia và tư vấn viên. Trên cơ sở các quy định của pháp luật có liên quan và tình hình thực tiễn ở địa phương các chuyên gia và các tư vấn viên đã có những câu trả lời xác đáng, đáp ứng một phần yêu cầu của đại biểu dự hội nghị đối thoại. Các đại biểu đánh giá cao về chất lượng tổ chức cũng như nội dung của hội nghị./.


 

Ý kiến của bạn

   Mã xác nhận  

Các tin khác