Sắp xếp, tổ chức lại hệ thống trường nghề
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Đến năm 2030, quy mô tuyển sinh đạt 6,3 triệu người mỗi năm.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang tổ chức xin ý kiến góp ý Dự thảo Tờ trình và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030.
Theo Đề án, đến năm 2030, quy mô tuyển sinh đạt 6,3 triệu người mỗi năm; ít nhất 90% người học có việc làm và có năng suất lao động, thu nhập cao hơn sau đào tạo.
Đề án sẽ thực hiện theo lộ trình cụ thể. Từ nay đến 2021, phấn đấu quy mô tuyển sinh đạt 2,6 triệu người mỗi năm (hiện tại đang là 2,2 triệu/năm), ít nhất 80% người học có việc làm và có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo. Đồng thời, giảm mạnh về đầu mối cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tối thiểu bình quân cả nước giảm 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015 (bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2,5%), trong đó, trường trung cấp giảm tối thiểu 15%.
Đến 2025, phấn đấu quy mô tuyển sinh đạt 4,6 triệu người mỗi năm; ít nhất 85% người học có việc làm và có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo. Tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2021 (bình quân mỗi năm giảm tối thiểu 2%).
Đến 2030, phấn đấu quy mô tuyển sinh đạt 6,3 triệu người mỗi năm; ít nhất 90% người học có việc làm và có năng suất, thu nhập cao hơn sau đào tạo; tiếp tục thực hiện giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp giáo dục nghề nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, mục tiêu chung của Đề án là sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo; gắn kết chặt chẽ đào tạo nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội.
Bộ sẽ cơ cấu lại hoặc giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả hoặc không đáp ứng đủ tiêu chí, điều kiện thành lập và hoạt động GDNN; sáp nhập theo lộ trình các trường trung cấp công lập vào trường cao đẳng công lập, trước mắt thực hiện đối với các trường trung cấp có nhiều ngành, nghề đào tạo trùng với ngành, nghề đào tạo của trường cao đẳng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, sẽ từng bước chuyển trường cao đẳng, trung cấp công lập thuộc các bộ, ngành Trung ương về chính quyền địa phương quản lý đối với các trường đóng trên địa bàn các địa phương, mà có nhiều ngành, nghề đào tạo trùng với các trường do địa phương quản lý.
Đối với các trường cao đẳng, trung cấp công lập đang hoạt động có hiệu quả, đã tự chủ; các trường đang được cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt phương án tự chủ thì tiếp tục triển khai đào tạo theo quy định hiện hành, không xem xét sắp xếp, tổ chức lại. Trường hợp cần thiết phải xem xét để sáp nhập với các trường khác thì phải bảo đảm nguyên tắc hoạt động hiệu quả sau sắp xếp và được sự đồng thuận của các cơ sở GDNN.
Bộ sẽ tiến hành sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp huyện và hợp tác chặt chẽ với các trường cao đẳng, trung cấp để tổ chức đào tạo.
Đối với các trường công lập đào tạo các ngành, nghề, đối tượng đặc thù (trường dân tộc thiểu số, trường dạy nghề cho người tàn tật, trường thủ công mỹ nghệ, trường đào tạo các nghề phục vụ kinh tế biển...) thì xây dựng Đề án phát triển và nâng cao chất lượng làm căn cứ đầu tư và giao kinh phí hoạt động thường xuyên.
Ngoài ra, đề án khuyến khích việc thành lập mới cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và có vốn đầu tư nước ngoài, ưu tiên doanh nghiệp thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Ý kiến của bạn