Những bất cập và hạn chế trong chế định di chúc chung của vợ chồng
Từ truyền thống coi trọng đạo nghĩa vợ - chồng, việc lập di chúc chung của vợ - chồng đã được thừa nhận trong tục lệ ở nước ta từ lâu.
Từ truyền thống coi trọng đạo nghĩa vợ - chồng, việc lập di chúc chung của vợ - chồng đã được thừa nhận trong tục lệ ở nước ta từ lâu. Chế định về di chúc chung của vợ - chồng đã được ghi nhận trong các Bộ Dân luật của các chế độ trước như Bộ Dân luật Bắc, Bộ Dân luật Trung, Bộ Dân luật Sài Gòn 1972 nhưng còn khá mờ nhạt. Đến khi Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005 ra đời, chế định di chúc chung của vợ - chồng mới được thể hiện khá chi tiết và rõ nét. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện BLDS 2005 cho thấy chế định di chúc chung của vợ chồng cũng vẫn còn nhiều điểm bất cập và chưa phù hợp với thực tế. Thể hiện ở một số điểm như sau:
Điều 646 BLDS 2005 quy định: “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Bằng quy định này, BLDS 2005 đã thừa nhận nguyên tắc: Di chúc thể hiện ý chí của cá nhân. Di chúc thể hiện ý chí của một chủ thể/một cá nhân chứ không phải là ý chí của nhiều chủ thể hay của nhiều người. Người lập di chúc phải minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc và phải hoàn toàn tự nguyện khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép. Thế nhưng, nguyên tắc này đã bị “phá vỡ” bởi Điều 663 BLDS 2005 quy định: “Vợ chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung”. Quy định cho phép vợ chồng lập di chúc chung đã tạo ra sự mâu thuẫn với Điều 646 nêu trên bởi vì, khi vợ chồng cùng lập di chúc chung thì ý chí cá nhân thể hiện trong di chúc có thể sẽ không còn trung thực và khách quan nữa. Ví dụ như: Trong trường hợp tính mạng người vợ hoặc người chồng bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc nguyên nhân khác thì ý chí của người đó thể hiện trong di chúc có thể bị chi phối bởi người kia, thậm chí nội dung di chúc có thể bị quyết định bởi một bên. Như vậy, tính tự nguyện và thể hiện ý chí cá nhân của di chúc sẽ không còn được đảm bảo.
2. Thứ hai, di chúc chung của vợ chồng không đảm bảo được đầy đủ các quy định của BLDS về mặt hình thức. Cụ thể là:
- Đối với di chúc miệng, trong trường hợp tính mạng của một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Khi vợ chồng cùng nhau lập di chúc miệng thì di chúc đó sẽ không thể phản ánh đầy đủ, trung thực và khách quan nhất ý chí của mỗi người. Việc lập di chúc miệng có thể dẫn đến việc một bên tự quyết định nội dung di chúc theo ý muốn chủ quan của mình. Hơn nữa, khi lập di chúc miệng, hai người không thể cùng đồng thời phát biểu ý chí của mình do đó, dễ dẫn đến trường hợp một người phát biểu rồi người kia đồng ý với ý kiến đó. Điều này là không khách quan và vi phạm nguyên tắc về lập di chúc, ý chí của người để lại di chúc không được thể hiện một cách trực tiếp.
- Đối với di chúc viết tay không có người làm chứng, khi lập di chúc thì người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào bản di chúc. Về mặt lôgic thì hai vợ chồng không thể cùng một lúc viết cùng một nội dung trên tờ di chúc mà phải từng người viết rồi ký tên hoặc điểm chỉ vào bản di chúc đó. Vậy hỏi rằng, nếu một người viết di chúc và người kia chỉ việc ký tên/ điểm chỉ thì di chúc đó có hiệu lực pháp luật không? Hoặc mỗi người tự viết ý nguyện của mình rồi ký tên/ điểm chỉ thì có được không? Theo tôi, nếu một người viết rồi người còn lại chỉ việc ký tên/ điểm chỉ thì sẽ không khách quan, không đảm bảo thủ tục lập di chúc viết tay, dễ dẫn đến trường hợp giả mạo chữ ký mà việc giám định bút tích để xác minh sự thật là cũng không dễ dàng. Hoặc nếu, cả hai vợ chồng cùng viết, mỗi người tự viết ý nguyện của mình để định đoạt tài sản chung, thì không thể thực hiện được trên thực tế và như vậy, sẽ giống với di chúc cá nhân nhiều hơn. Việc để cho một người viết và người còn lại chỉ việc ký tên/ điểm chỉ cũng sẽ không đảm bảo nguyên tắc di chúc viết tay phải được viết trực tiếp bằng chữ viết tay.
Tóm lại, về mặt hình thức di chúc chung của vợ chồng, pháp luật cần phải có sự điều chỉnh cụ thể, rõ ràng hơn chứ không thể áp dụng giống như di chúc của cá nhân. BLDS 2005 chưa quy định cụ thể vấn đề này là một thiếu sót cần được khắc phục. Theo quan điểm của tôi, chỉ nên thừa nhận vợ chồng được lập di chúc chung bằng hình thức văn bản có người làm chứng hoặc có công chứng, chứng thực.
3. Thứ ba, di chúc chung không thể định đoạt được tài sản riêng của vợ chồng.
Theo quy định của BLDS 2005 thì vợ chồng lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung của vợ chồng. Vậy trong trường hợp nếu vợ, chồng vừa có tài sản chung, vừa có tài sản riêng mà họ lại muốn định đoạt trong cùng một di chúc thì sẽ phải xử lý như thế nào? Trong trường hợp này sẽ có nhiều vấn đề pháp lý phức tạp được đặt ra như: hiệu lực của di chúc chung được xác định như thế nào? Phần di chúc định đoạt tài sản riêng có phải là một di chúc riêng? Sau khi một bên vợ hoặc chồng chết thì phần di chúc liên quan đến tài sản riêng có hiệu lực hay chưa? Các câu hỏi này cũng chưa được BLDS 2005 làm rõ.
4. Thứ tư, BLDS 2005 chưa quy định rõ trường hợp bị cấm lập di chúc chung.
Di chúc là một loại giao dịch pháp lý đơn phương và không mang tính chất đền bù. Việc cho phép vợ chồng lập di chúc chung để thừa kế lẫn nhau đã biến loại giao dịch này thành giao dịch pháp lý song phương mà mang tính chất có đền bù, làm thay đổi bản chất pháp lý của di chúc. Ngoài ra, BLDS 2005 không cấm đoán vợ chồng lập di chúc chung thừa kế lẫn nhau sẽ dẫn đến nhiều hậu quả pháp lý xấu như: vợ chồng thông đồng lập di chúc giả tạo để che đậy những hành vi trái pháp luật; hoặc các bên lừa dối, giả mạo di chúc để trục lợi…Vì vậy thiết nghĩ, BLDS 2005 cần có quy định về các trường hợp cấm lập di chúc chung.
5. Thứ năm, quy định sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung của vợ chồng đã xâm phạm tới quyền tự do định đoạt tài sản cá nhân.
Điều 664, khoản 2 BLDS 2005 quy định: “Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của bên kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình.” Với quy định này, nếu một bên vợ hoặc chồng vì lý do nào đó mà bắt buộc phải sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc chung đã lập nhưng không được sự đồng ý của người kia, thì việc sửa đổi, bổ sung đó sẽ không được pháp luật chấp nhận. Thiết nghĩ, quy định này đã xâm phạm quyền tự do định đoạt tài sản của người lập di chúc, xâm phạm tới những lợi ích chính đáng của cá nhân khi cấm họ đưa ra những quyết định cá nhân nhằm bảo đảm lợi ích cho mình.
Mặt khác, quy định của khoản 2 Điều 664 BLDS cũng thiếu nhất quán vì không cho phép một bên tự ý sửa đổi, bổ sung di chúc khi vợ chồng còn sống nhưng lại cho phép một bên còn sống có quyền sửa đổi, bổ sung phần di chúc liên quan đến phần tài sản của mình khi một bên vợ hoặc chồng đã chết.
6. Thứ sáu, về hiệu lực của di chúc chung của vợ chồng.
Các quy định về hiệu lực di chúc chung của vợ chồng còn gây ra nhiều tranh cãi và bất đồng quan điểm. Thực tế cho thấy, một cá nhân có thể có nhiều tài sản, bao gồm cả tài sản chung và tài sản riêng. Nếu xác định di chúc chung chỉ có hiệu lực vào thời điểm “người sau cùng chết” hoặc thời điểm “vợ chồng cùng chết” thì việc chia thừa kế sẽ rất phức tạp, sẽ có ít nhất hai lần chia thừa kế: lần thứ nhất là chia thừa kế khối tài sản riêng, lần thứ hai là chia thừa kế với khối tài sản chung. Việc phải phân chia thừa kế tới hai lần như thế sẽ không chỉ gây khó khăn cho người thừa kế mà còn gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc giải quyết tranh chấp thừa kế.
Quy định về thời điểm có hiệu lực của di chúc chung cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến thời hiệu khởi kiện thừa kế đối với di sản của người chết trước. Thời hiệu khởi kiện thừa kế là 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế. Nếu hết 10 năm mà người kia vẫn còn sống, thì thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đối với phần di sản của người chết trước cũng không còn. Trong trường hợp đó, nếu nội dung của di chúc chung vi phạm pháp luật, có dấu hiệu lừa dối, giả mạo…mà người thừa kế không biết để khởi kiện kịp thời (do di chúc chung chưa được công bố), đến khi người sau cùng chết mà thời hiệu khởi kiện không còn thì quyền lợi của người thừa kế sẽ được pháp luật bảo vệ như thế nào cũng chưa được quy định rõ. BLDS 2005 đã cụ thể hóa khá chi tiết chế định di chúc chung của vợ chồng để đáp ứng nhu cầu của thực tế. Chế định di chúc chung của vợ chồng là một chế định có nhiều sự phức tạp, phá vỡ những nguyên tắc cơ bản của di chúc. Tuy nhiên, để chế định di chúc chung thực sự mang lại nhiều lợi ích cho các cặp vợ chồng, cho các cá nhân hưởng thừa kế thì cũng còn cần phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những bất cập, hạn chế nêu trên./
.
Luật sư Hà Thị Thanh - Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hưng Yên
Ý kiến của bạn