Việt Nam cần đẩy mạnh công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để “khơi thông thủ tục pháp lý” nhằm “tiếp thêm năng lượng” cho các DNNVV

Giai đoạn năm 2015-2020, Việt Nam nên mạnh tay hơn nữa trong công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) để cộng đồng doanh nghiệp có đủ năng lượng để phát triển đột phá trong giai đoạn mới…

Giai đoạn năm 2015-2020, Việt Nam nên mạnh tay hơn nữa trong công tác hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) để cộng đồng doanh nghiệp có đủ năng lượng để phát triển đột phá trong giai đoạn mới…

altÂÂ

Kinh nghiệm từ những nước phát triển trên thế giới

Nhà nước Việt Nam cần đẩy mạnh hơn công tác hỗ trợ pháp lý cho các DNNVV để họ có đủ năng lượng phát triển - đó là nhận định của Giáo sư Steve Van Houten, Chuyên gia tư vấn Dự án ngân hàng phát triển Châu Á ADB, Giảng viên Trường Đại học Queen, Canada khi làm việc với Bộ Tư pháp Việt Nam trong khuôn khổ các hoạt động hỗ trợ tăng cường năng lực cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của ADB.

Là một nhà nghiên cứu về các chính sách hỗ trợ DNNVV, Giáo sư Steve Van Houten đánh giá, vào thời kỳ trước đổi mới, Việt Nam đã lựa chọn mô hình giống như của Xô Viết trước đây, đó là hình thành các doanh nghiệp lớn. Nhưng sau đó, thực tế hiện nay đang cho thấy, khi đất nước đang từng bước hội nhập chung vào nền kinh tế khu vực và thế giới thì Chính phủ Việt nam đã và đang có những thay đổi nhất định, đặc biệt là việc thúc đẩy các DNNVV phát triển, thay vào đó là giảm dần số lượng, quy mô của các doanh nghiệp nhà nước, hạn chế sự nắm giữ của cổ phần của Nhà nước đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, chỉ nắm giữa cổ phần nhà nước chi phối ở một số lĩnh vực, doanh nghiệp nòng cốt, đảm bảo sự phát triển ổn định của nền kinh tế. Đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, bởi thực tế người Việt Nam có trí tuệ và rất sáng tạo, có tư duy và nhiều ý tưởng kinh doanh từ cấp hộ gia đình trở lên. Nếu được quan tâm và hỗ trợ kịp thời chắc chắn khối này (DNNVV chiếm 97,7% trong tổng số hơn 400.000 doanh nghiệp Việt Nam[1]) có điều kiện để phát triển thành các doanh nghiệp lớn mạnh như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Thực tế kinh nghiệm tại những nước phát triển trên thế giới cho thấy, song song với những hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, Chính phủ các nước này cho rằng, việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là điều vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (tại Nhật Bản DNNVV chiếm 99% trong tổng số doanh nghiệp). Việc hỗ trợ được thể hiện một cách trực tiếp, hoặc gián tiếp dưới nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên, nhóm đối tượng thụ hưởng chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc hỗ trợ không đồng nghĩa với việc làm thay toàn bộ mà chỉ góp phần tạo ra những cú hích, đòn bẩy nhằm thay đổi về nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, đặc biệt là việc vận dụng hiệu quả pháp luật liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc hỗ trợ pháp lý chỉ tập trung vào nhóm đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, đối tượng thể hiện sự yếu kém về năng lực cạnh tranh, thiếu hụt về vốn, kỹ thuật (dưới mức chuẩn để tham gia và có vị thế, cạnh tranh trên trường quốc tế), việc hỗ trợ chủ yếu giúp nhóm doanh nghiệp này tìm lại sự cân bằng và nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của pháp luật mà không ảnh hưởng tới các cam kết quốc tế về chống trợ cấp, cạnh tranh không lành mạnh.

Hàn Quốc là một trong số ít những quốc gia phát triển có hệ thống hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiệu quả nhất trên thế giới. Mô hình tổ chức quản lý công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại đây được vận hành đa dạng, dưới nhiều hình thức khác nhau (hỗ trợ thông tin pháp lý; tư vấn pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật...), phù hợp với mục tiêu của từng loại hình doanh nghiệp. Bộ Lập pháp Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ thông tin pháp lý cho doanh nghiệp thông qua việc thành lập Trung tâm dịch vụ hỗ trợ pháp luật quản lý Trang thông tin hỗ trợ pháp lý tại các tên miền www.klaw.go.kr và www.law.go.kr (Trong năm 2012, website này cập nhật tới 1,35 triệu thông tin và đón nhận 218.000 lượt truy cập mỗi ngày). Bộ Tư pháp Hàn Quốc thực hiện chức năng hỗ trợ tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp. Đối với các vụ việc đơn giản, thực hiện hỗ trợ tư vấn miễn phí thông qua các phương thức: văn bản, telephone, fax, email. Đối với các vụ việc phức tạp, hỗ trợ, làm đầu mối kết nối giữa cá nhân/doanh nghiệp thông qua mạng lưới luật sư, chuyên gia đăng ký tham gia mạng lưới hỗ trợ; tư vấn lựa chọn luật sư phù hợp, đảm bảo hiệu quả xử lý vụ việc. Trong trường hợp này, nhà nước hỗ trợ 1/3 kinh phí nhưng tối đa là 2.000 USD/vụ việc tư vấn.

Khác với Hàn Quốc, tại Nhật Bản[2], công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện chủ yếu thông qua tổ chức mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp thông qua đội ngũ luật sư. Hình thức hỗ trợ chủ yếu là tư vấn pháp luật miễn phí cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hệ thống tổ chức mạng lưới tư vấn được thiết lập trên cơ sở nguyên tắc “chuỗi mắt xích” tại các địa phương và “bộ não” điều hành ở Trung ương. Tại mỗi tỉnh, thành phố, căn cứ vào kết quả khảo sát, báo cáo về thực trạng thi hành pháp luật, cơ quan điều hành ở Trung ương thành lập các đầu mối triển khai hoạt động tư vấn và tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đang bị lép vế

Hiện nay, có hai lĩnh vực chủ chốt mà các DNNVV có lợi thế và khả năng phát huy thế mạnh của mình đó là công nghiệp chế tạo, dịch vụ. Đốỉ với ngành công nghiệp chế tạo, các DNNVV có thể hợp tác với các tập đoàn lớn để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ... Còn đối với lĩnh vực dịch vụ, các doanh nghiệp  rất có lợi thế trong việc phát triển công nghệ thông tin, du lịch, tài chính...

Tuy nhiên, hiện nay, theo nhiều chuyên gia, DNNVV Việt Nam dường như “bị lép vế”. Một trong những trở ngại lớn nhất hạn chế việc phát triển DNNVV ở Việt Nam đó là việc tiếp cận với các nguồn vốn thương mại, thủ tục vay vốn phức tạp, tiêu chuẩn để được tiếp cận nguồn vốn cho khối doanh nghiệp cũng không đảm bảo, doanh nghiệp vướng mắc nhiều vào các thủ tục pháp lý, trong tranh chấp kinh doanh thường bị thua thiệt. Trong khi ở những nước đang phát triển như Việt Nam, quy mô của các doanh nghiệp này quá nhỏ nên cũng khó để thực thi tốt pháp luật kinh doanh, vì vậy, họ đã gặp nhiều vấn đề trong việc tiếp cận với thông tin pháp luật. Ngoài ra, còn có những hạn chế về nhận thức pháp luật, khả năng nâng cao nang lực pháp lý để cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như cả sự hiểu biết về pháp luật kinh doanh của các nước khác.

Luật gia Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, chưa bao giờ các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và DNNVV nói riêng lại đứng trước những thử thách sinh - tử như hiện nay: thanh khoản kém, khó tiếp cận vốn, sức cầu yếu, hàng tồn kho nhiều, khó khăn trong tiếp cận thông tin pháp luật trong và ngoài nước, thường bị thua thiệt trong các tranh chấp kinh doanh thương mại ... Hiện doanh nghiệp Việt Nam đang phải cạnh tranh trong điều kiện không cân sức, chưa bắt tay vào sản xuất kinh doanh đã thua kém đối thủ vì chi phí vốn, kiến thức pháp luật kinh doanh so với các công ty đa quốc gia. Không chỉ khó về cạnh tranh, việc giữ và phát triển thương hiệu Việt trước sự xâm lấn, thôn tính của các doanh nghiệp nước ngoài đã đến hồi báo động.

Ở mọi quốc gia, kể cả Mỹ, DNNVV chiếm tỷ trọng chính trong việc tạo nên tổng thu nhập quốc dân cũng như nguồn cung lao động, trong khi các doanh nghiệp lớn tạo nên bộ mặt và tên tuổi, tầm vóc quốc gia. Nhưng ở Việt Nam, DNNVV chiếm tỷ trọng và vai trò lớn hơn.

Giai đoạn 2015 – 2020 cần tiếp thêm “năng lượng” và “khơi thông thủ tục pháp lý” cho doanh nghiệp thông qua hỗ trợ pháp lý của nhà nước

Để giải quyết được vấn đề này, theo Giáo sư Steve Van Houten, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ những nước phát triển. Chính phủ luôn có chương trình hỗ trợ cho DNNVV hoặc những doanh nghiệp mới bắt đầu khởi nghiệp. Đặc biệt, Việt Nam nên mạnh tay hơn hỗ trợ cho các DNNVV giúp họ có đủ năng lượng phát triển. Như ngoài việc hỗ trợ về mặt chuyên môn, kỹ thuật và về mặt ý tưởng, quan điểm lập quy hoạch chiến lược thì hỗ trợ pháp luật cho doanh nghiệp là việc hỗ trợ vô cùng quan trọng trong giai đoạn hiện nay... Nếu đội ngũ doanh nghiệp này không được quan tâm đúng mức và không được hỗ trợ kịp thời thì chắc chắn sẽ không thể tự phát triển lên thành những doanh nghiệp lớn tầm cỡ được.

Tại Thụy Sỹ, các DNNVV được coi là xương sống trong sự phát triển kinh tế. Chỉ cần các doanh nghiệp có ý tưởng và có tư duy chiến lược, tư duy thị trường, nếu họ cần bất kể sự hỗ trợ nào về vốn, kỹ thuật, pháp lý.... Nhà nước sẽ tạo điều kiện tối đa để miễn sao ý tưởng đó được thực hiện. Ví dụ: câu chuyện về thành công của Nestle chính là một minh chứng cụ thể cho điều này. Do được sự hỗ trợ của Nhà nước nên từ ban đầu đây chỉ là một thương hiệu rất nhỏ và chỉ là một người đứng ra thành lập nhưng giờ đã phát triển thành tập đoàn lớn mạnh và khẳng định được tên tuổi trên thị trường quốc tế. Thêm vào đó, họ có sự linh hoạt và sáng tạo, lại có khả năng tự phục hồi mạnh mẽ trong những thời điểm khủng hoảng và là khu vực đảm bảo tỉ lệ có việc làm cao cho lực lượng lao động.

Đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ này, ngoài nguồn vốn đầu tư FDI, các DNNVV cũng đóng vai trò rất lớn, nếu thiếu lực lượng này nền kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, vì vậy, Việt Nam nên tập trung nhiều hơn nữa vào sự phát triển của khu vực này.

Ở khía cạnh tư vấn doanh nghiệp, Giáo sư Steve Van Houten cho rằng, trong bối cảnh kinh tế vẫn khó khăn, nhiều người bán, ít người mua, doanh thu thấp, thậm chí bù lỗ thường xuyên, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, DNNVV thường khó khăn trong áp dụng pháp luật... thì DNNVV cần có động lực là hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để “khơi thông thủ tục pháp lý” để khơi dậy tinh thần, ý thức làm giàu. Với kỳ vọng, thông qua Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020 được phê duyệt theo Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 28/11/2014 sẽ hỗ trợ khối DNNVV nâng cao kiến thức pháp luật trong kinh doanh.

Ths. Trần Minh Sơn

Ý kiến của bạn

   Mã xác nhận  

Các tin khác