Dự thảo Quy định tiêu chí dán mác “made in Vietnam”: Chưa lấp được khoảng trống

Mới đây, Bộ Công Thương đã công bố bản dự thảo quy định về tiêu chí dán mác “made in Vietnam” cho hàng sản xuất trong nước lưu thông nội địa. Dự thảo này đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận xung quanh nội dung quy định còn chung chung, bộc lộ nhiều bất cập.

Dự thảo Thông tư của Bộ Công Thương quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam gồm 4 Chương, 16 Điều, được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ hiện đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa được thực hiện theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ nên không phát sinh bất cứ một thủ tục hành chính mới nào mà người dân và DN phải tuân thủ.

 

Thiếu chặt chẽ, rõ ràng
Đánh giá về nội dung dự thảo, luật sư Trần Ngọc Trung - Cố vấn cao cấp của Công ty Luật Baker & McKenzie cho rằng, về bản chất, dự thảo thông tư "made in Vietnam" không khác nhiều Nghị định 31/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. Nếu áp dụng vào thực tiễn, thông tư mới vẫn sẽ bộc lộ những mặt hạn chế. Theo luật sư Trần Ngọc Trung, việc xác định xuất xứ không phải yêu cầu bắt buộc đối với DN và luật cũng cho phép có những tình huống xuất xứ không xác định. Tuy nhiên, với quy định về nhãn dán, DN buộc phải xác định nguồn gốc hàng hóa. Tình huống đặt ra là nếu đạt đủ tiêu chí về quy định xuất xứ của thông tư, hàng hóa sẽ được ghi "made in Vietnam", nhưng nếu không đáp ứng yêu cầu, hàng hóa sẽ ghi sản xuất ở đâu?
Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo thông tư vẫn chưa quy định chặt chẽ, rõ ràng về các tiêu chí cho việc xác định hàng hóa thế nào là "made in Vietnam". Đơn cử, Điều 8 Chương III Thông tư quy định về hàng hóa có xuất xứ thuần túy chỉ nói về các hàng hóa đã có mặt ở Việt Nam, nuôi trồng, đánh bắt, chiết xuất… từ Việt Nam. Song, quy định không nhắc tới trường hợp sản phẩm được lên ý tưởng, thiết kế bởi người Việt, DN Việt nhưng các linh kiện phải lấy từ các nước khác nhập 100% thì có được ghi xuất xứ Việt Nam không? Hay tại Điều 10 Chương III Thông tư quy định các sản phẩm gia công, chế biến đơn giản, hàng hóa không có xuất xứ Việt Nam, nếu chỉ trải qua một hoặc kết hợp nhiều công đoạn thì không được coi là hàng hóa của Việt Nam. Song, quy định cũng không nhắc tới trường hợp này thì sẽ ghi xuất xứ hàng hóa từ đâu?
Tỷ lệ nội địa hóa 30% có hợp lý?
Theo dự thảo, một hàng hóa được coi là có xuất xứ Việt Nam khi tỷ lệ nội địa hóa hay trị giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ tại Việt Nam chiếm ít nhất 30% giá trị xuất xưởng của hàng hóa đó và phải vượt qua khâu gia công đơn giản. Trao đổi về vấn đề này, một số chuyên gia nhận định, hàm lượng giá trị gia tăng 30% là tỷ lệ hợp lý và không mới. Bởi, tiêu chí này từng xuất hiện tại các nghị định và thông tư hướng dẫn xuất xứ hàng hóa không ưu đãi từ Việt Nam xuất khẩu đến các thị trường mà Việt Nam chưa ký hiệp định thương mại tự do. 
Nhìn nhận ở góc độ DN, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho rằng, con số 30% hàm lượng giá trị gia tăng chưa thực sự hợp lý cho tất cả mặt hàng. “Đối với mặt hàng sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày thì hàm lượng giá trị gia tăng đạt 30% không khó. Hiện tại, ngành hàng dệt may đạt 45 - 48% trị giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ Việt Nam so với giá trị xuất xưởng của hàng hóa. Song, đối với các ngành sử dụng ít lao động nhưng chi phí nguyên vật liệu lớn, có thể vấn đề về hàm lượng giá trị gia tăng lại trở thành trở ngại cho DN” – ông Trường phân tích.
Cần quy định cụ thể từng nhóm sản phẩm
Chia sẻ quan điểm về dự thảo thông tư "made in Vietnam", PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, hiện nay, tại Việt Nam có rất nhiều sản phẩm chỉ là lắp ráp ở Việt Nam nhưng vẫn được tính là hàng Việt. Chẳng hạn như, các sản phẩm công nghệ của Samsung, thực chất đó là sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam, DN Việt chỉ làm được một vài chi tiết rất nhỏ, thực hiện khâu lắp ráp cuối cùng, mà khâu này khó có thể đạt được 30% như dự thảo nêu. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, dự thảo quy định cần chặt chẽ, bài bản hơn theo hướng phải phân loại theo nhóm sản phẩm, ví dụ sản phẩm cơ khí, sản phẩm điện tử, sản phẩm truyền thống, sản phẩm thô sơ... Trong từng sản phẩm phải quy định những bộ phận chính của sản phẩm là do DN Việt làm mới được coi là hàng Việt.
Điều mà các DN, người tiêu dùng mong mỏi là dự thảo cần quy định cụ thể, rõ ràng, chi tiết hơn để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và những DN chân chính. Một khuyến nghị nữa đến từ các chuyên gia đó là, để thực hiện những quy định đưa ra, Bộ Công Thương cần sớm xây dựng cơ chế, đội ngũ có chuyên môn cao, đồng thời áp dụng khoa học kĩ thuật phục vụ giám định, kiểm tra chất lượng hàng hóa, phục vụ cho việc ghi nhãn. Có như vậy, hàng hóa lưu thông trên thị trường mới đảm bảo đúng với pháp luật, góp phần loại bỏ triệt để các trường hợp vô tình hay cố tình vi phạm thông tin về nước xuất xứ.
                                                                                                                                   Theo Kinh tế và Đô thị

Ý kiến của bạn

   Mã xác nhận  

Các tin khác