Nhiều vướng mắc, bất cập liên quan đến pháp luật về đất đai
Tại Hội thảo Pháp luật và thực tiễn về tiếp cận đất đai của DN tại Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 27/6, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp cho rằng, những bất cập trong tiếp cận đất đai của DN đến từ những quy định pháp luật và bất cập phát sinh trong quá trình áp dụng những quy định của pháp luật về đất đai.
Ông Nguyễn Hồng Hải cho biết, để thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 01/CT-TTg về yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai, Bộ Tư pháp đã có các công văn gửi 18 bộ, cơ quan ngang bộ; 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 4 tập đoàn; 5 hiệp hội; 5 ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để lấy ý kiến về những bất cập, chồng chéo, vướng mắc giữa các quy định của pháp luật liên quan đến việc tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh.
Tính đến nay, Bộ Tư pháp đã nhận được ý kiến bằng văn bản của 12/18 Bộ, cơ quan ngang Bộ; 55/64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 4/4 Tập đoàn; 3/5 Hiệp hội; 3/5 Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao.
Một số kết quả bước đầu của hoạt động rà soát các vướng mắc, bất cập về pháp luật đất đai cho thấy, có những vướng mắc trong quan hệ giữa Luật Đất đai 2013 với các văn bản pháp luật chuyên ngành khác có liên quan.
Đơn cử, Luật Doanh nghiệp 2014 tồn tại khái niệm tài sản góp vốn là giá trị quyền sử dụng đất còn Luật Đất đai năm 2013 thì sử dụng khái niệm góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Đây là hai khái niệm chưa thống nhất và gây nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau.
Với Luật Đầu tư, điểm g, khoản 1 Điều 48 quy định dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động trong trường hợp sau 12 tháng mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư và không thuộc trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Điều 46 của Luật này.
Tuy nhiên, điểm i, Điều 64 quy định Nhà nước thu hồi đất đối với đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng; trường hợp không đưa đất vào sử dụng thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này. Như vậy, khi dự án bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư nhưng lại chưa bị thu hồi đất gây ra nhiều khó khăn cho cơ quan thực thi.
Ông Nguyễn Hồng Hải cũng cho biết, một số khoảng trống chưa được pháp luật đất đai điều chỉnh. Ví dụ, Luật Đất đai 2013 chưa quy định cụ thể về cơ chế, hình thức tích tụ đất đai. Do đó khó khăn cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các mô hình tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp.
Theo Báo Hải quan
Ý kiến của bạn