Hoàn thiện cơ chế, chính sách về kinh doanh bảo hiểm
Sau 17 năm triển khai thực hiện Luật Kinh doanh bảo hiểm, thị trường bảo hiểm đã có sự phát triển đáng ghi nhận nhưng cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế, đòi hỏi phải có sự sửa đổi và hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động này.
Kết quả tích cực
Tại hội thảo “Đánh giá kết quả thực hiện Luật Kinh doanh bảo hiểm giai đoạn 2000-2017 và định hướng hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm do Viện Chiến lược và Chính sách tài chính và Cục Quản lí, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính tổ chức tại TP.HCM ngày 22/6, ông Doãn Thanh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cho biết, qua 17 năm triển khai, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã tạo cơ sở pháp lý cho thị trường bảo hiểm ngày càng phát triển.
Quy mô thị trường đã phát triển nhanh chóng từ 15 DN năm 2000 lên 63 DN và 1 chi nhánh phi nhân thọ nước ngoài vào năm 2017. Năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động của các DN ngày càng được nâng cao với tổng tài sản của các DN đến năm 2017 đạt trên 315.000 tỷ đồng, tăng trung bình 24%/ năm, dự phòng nghiệp vụ đạt gần 300.000 tỷ đồng, tăng khoảng 23%/năm, vốn chủ sở hữu đạt 65.000 tỷ đồng, tăng 8%/năm. Doanh thu của các DN cũng đạt mức tăng 20% trong suốt 17 năm qua
Cùng với sự phát triển về quy mô, năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động, hoạt động bảo hiểm còn là kênh huy động vốn hiệu quả và đầu tư trở lại nền kinh tế. Trong đó năm 2017, bảo hiểm nhân thọ đạt trên 213.000 tỷ đồng, bảo hiểm phi nhân thọ đạt trên 38.000 tỷ đồng. Trong đó hơn 60% danh mục đầu tư của DN bảo hiểm nhân thọ đầu tư vào trái phiếu chính phủ.
Về mức độ phủ bảo hiểm, tính đến hết năm 2017 đã có 10 triệu lượt người có bảo hiểm y tế, sức khoẻ; trên 12 triệu lượt học sinh được bảo hiểm sức khoẻ, tai nạn; trên 18 triệu lượt khách được bảo hiểm trách nhiệm hàng không; trên 12 triệu lượt khách được bảo hiểm đường sắt trên 2.000 triệu lượt khách được bảo hiểm trách nhiệm hành khách vận chuyển đường bộ, 80% công trình xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình kinh tế lớn của Nhà nước được bảo hiểm. Hiện đang có 1.300 sản phẩm bảo hiểm với mạng lưới phục vụ trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng đã thực hiện được các chương trình, mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ như chương trình bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định 315/QĐ-TTg áp dụng từ năm 2011-2013 trên 20 tỉnh, thành phố với tổng giá trị bảo hiểm 7.748 tỷ đồng, số tiền bồi thường 713 tỷ đồng. Triển khai bảo hiểm thuỷ sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP với tổng giá trị bảo hiểm trên 41.000 tỷ đồng, với 10.757 tàu và 10.214 thuyền viên được bảo hiểm, tổng số tiền bồi thường 390 tỷ đồng.
Nhiều nội dung cần bổ sung, sửa đổi
Bên cạnh các mặt tích cực, theo ông Doãn Thanh Tuấn, việc thực hiện Luật Kinh doanh bảo hiểm thời gian qua cũng phát sinh một số khó khăn, vướng mắc do phạm vi điều chỉnh chưa bao quát hết các thành phần tham gia. Một số khái niệm về bảo hiểm kỹ thuật số, quyền lợi có thể được bảo hiểm… cần được bổ sung, sửa đổi. Cùng với đó, một số quy định tại chương hợp đồng bảo hiểm, quy định vốn và khả năng thanh toán của DN bảo hiểm, đại lý, tổ chức, thi và cấp chứng chỉ đại lý, phạm vi hoạt động môi giới…Kcũng cần phải bổ sung, sửa đổi
Đánh giá cao tác động của Luật Kinh doanh bảo hiểm đối với thị trường bảo hiểm Việt Nam nhưng ông Bùi Gia Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng, tuy có tính ổn định khá cao nhưng Luật Kinh doanh bảo hiểm cần tiếp tục được bổ sung, sửa đổi để theo kịp xu thế hiện tại.
Cụ thể, theo ông Anh, khái niệm người thụ hưởng chỉ áp dụng với hợp đồng bảo hiểm con người là không phù hợp với các hợp đồng tín dụng; cơ chế chia sẻ thông tin cũng không còn phù hợp với yêu cầu phải chia sẻ thông tin công khai giữa các DN, đặc biệt trong các trường hợp gian lận bảo hiểm hoặc có dấu hiệu gian lận; quy định xác định lỗi khi loại trừ bảo hiểm cũng không có phù hợp với thực tế…
Ngoài một số nội dung nêu trên, các nội dung về những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động bảo hiểm, các loại nghiệp vụ bảo hiểm, giao kết hợp đồng bảo hiểm con người trong trường hợp chết, một số bảo hiểm bắt buộc… cũng cần được xem xét sửa đổi, bổ sung
Từ góc độ DN, ông Lương Tiến Dũng, Giám đốc tài chính Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho rằng, các quy định điều chỉnh trong Luật Kinh doanh bảo hiểm chưa đủ sâu, đồng bộ và phù hợp với đặc thù kinh doanh bảo hiểm đặc biệt là kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ. Môi trường pháp lý của hoạt động kinh doanh bảo hiểm chưa đủ thuận lợi để DN cạnh tranh và hội nhập; chưa đủ cơ sở vững chắc để DN bắt kịp và đồng hành với sự phát triển của của xu hướng kinh doanh, quản lí ứng dụng công nghệ cao của thế giới.
Theo ý kiến của ông Dũng, để khắc phục những hạn chế của Luật, cần linh hoạt trong phê duyệt sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ, kiểm soát mức giá và quản lí triển khai; Chấp nhận đa dạng các nguồn sản phẩm; Về quản lí hoạt động kinh doanh bảo hiểm cần tăng cường quản lý cạnh tranh thông qua quy định khung; Giảm điều chỉnh để tăng tính chủ động cho DN về vận hành kinh doanh, kết quả kinh doanh; Về quản lí hoạt động đầu tư, cho phép hoạt động đầu tư của DN bảo hiểm phi nhân thọ được chủ động, linh hoạt hơn cả về tài sản và hoạt động đầu tư, đồng thời cho phép DN chủ động, linh hoạt hơn trong xác định và phân chia chi phí, lợi ích giữa các bên…
Liên quan đến việc minh bạch thông tin trong hoạt động bảo hiểm một chuyên gia của Trường Đại học Tài chính – Marketing cũng cho rằng Luật cần quy định có cơ chế bắt buộc các DN bảo hiểm phải minh bạch thông tin vì khách hàng cũng cần biết tình hình tài chính của DN bảo hiểm như thế nào. Trên thực tế hiện nay ngoài một số DN đã niêm yết có ra cứu được báo cáo tài chính còn lại các DN khác rất ít thông tin. Việc công bố thông tin cho khách hàng không chỉ giúp khách hàng tiếp cận và đánh giá được tình hình của DN mà còn là động lực để DN phát triển hiệu quả hơn…
Theo Báo Hải quan
Ý kiến của bạn