Doanh nghiệp điều lo "gặp họa" vì lộ "bí kíp" sản xuất cho châu Phi

Ngành điều Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước, đặc biệt là các nước châu Phi. Do đó, doanh nghiệp điều lo ngại sẽ thiếu nguyên liệu sản xuất nếu các doanh nghiệp châu Phi nắm được công nghệ chế biến hạt điều của Việt Nam.

Ngành điều Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ các nước, đặc biệt là các nước châu Phi. Do đó, doanh nghiệp điều lo ngại sẽ thiếu nguyên liệu sản xuất nếu các doanh nghiệp châu Phi nắm được công nghệ chế biến hạt điều của Việt Nam.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Các doanh nghiệp sản xuất điều vừa có văn bản gửi lên Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) và các Bộ ngành kiến nghị về việc không chuyển giao công nghệ, máy móc chế biến điều cho các nước châu Phi.

Theo số liệu của Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas), kể từ năm 2006 - 2015 Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu điều nhân số 1 thế giới và cũng có thể nói là nước nhập khẩu điều lớn nhất trong vài năm trở lại đây với sản lượng điều thô nhập khẩu lên tới 867.000 tấn từ 25 quốc gia, trong đó Bờ Biển Ngà đã chiếm 302.000 tấn.

Nhóm doanh nghiệp trong ngành cho rằng, Bờ Biển Ngà là quốc gia trồng điều và xuất khẩu điều thô trong những năm trước đây, gần đây cùng với việc ổn định chính trị, họ đã tăng cường đầu tư cho chiến lược phát triển và mục tiêu chế biến điều tại Bờ Biển Ngà, cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam và Ấn Độ.

"Họ có bước đi kỹ lưỡng và thâm hiểm, cụ thể là tiếp tục gia tăng bảo hộ sản xuất trong nước, hạn chế xuất khẩu điều thô, tăng cường hợp tác với Việt Nam để chuyển giao công nghệ, máy móc chế biến điều… mua chuộc sử dụng chính người Việt hại người Việt, liên kết mở trường dạy nghề tại Bờ Biển Ngà… “, văn bản kiến nghị nêu.

Nhóm doanh nghiệp này cho hay, trở lại những năm trước đây, nhiều người coi công nghệ chế biến hạt điều Việt Nam không phải là vật dễ dàng trao đổi, do chính là “báu vật”, “bí kíp” vì đã góp phần vào sự thành công của ngành điều trong vòng 25 năm trở lại đây, làm cho những quốc gia có ngành sản xuất điều trước hàng trăm năm đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Từ chỗ hạt điều thô giá trị thấp, Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia chế biến nhân điều và xuất khẩu số 1 thế giới. Công nghệ chế biến điều Việt Nam là điều mà không chỉ các quốc gia có nền chế biến lâu đời như Ấn Độ và Brazil mà kể cả cộng đồng các quốc gia trồng điều tại châu Phi, vốn từ trước đến nay chỉ tập trung xuất khẩu điều thô, rất quan tâm. Kể từ năm 2006, đã có rất nhiều đoàn khảo sát từ Ấn Độ, Nigeria, Mozambique, Tanzania, đặc biệt là Bờ Biển Ngà đến Việt Nam tìm hiểu công nghệ này.

“Những năm trước, vấn đề xuất khẩu công nghệ chế biến hạt điều của Việt Nam qua châu Phi cũng đã được đặt ra nhưng gặp phải phản ứng dữ dội nên phải gác lại. Tại thời điểm đó, Vinacas đã từng khẳng định như “đinh đóng cột” rằng công nghệ chế biến điều là của Việt Nam mà chủ sở hữu là ngành điều Việt Nam. Tuy nhiên, họ nói một đằng làm một nẻo… mà cụ thể là không ý kiến gì trước việc mở trường dạy nghề tại Bở Biển Ngà cũng như việc mở rộng bành trướng của Hội đồng bông và hạt điều Bở Biển Ngà tại Việt Nam”, văn bản cho hay.

Cũng theo văn bản này, nhiều hội viên Vinacas cảnh báo một thực tế là hiện nay và thời gian tới, một khi đã nắm được công nghệ chế biến thì các đối tác châu Phi sẽ hạn chế việc bán điều thô. Các nước châu Phi như Bờ Biển Ngà, Ghana, Benin, Guinea Bisau, Mozambique… đang bảo hộ sản xuất trong nước, hạn chế xuất khẩu ra nước ngoài, tập trung chế biến trong nước.

“Đây là nguyên nhân làm cho các nhà xuất khẩu tăng giá, chậm xếp hàng, làm thị trường khan hiếm giả tạo… gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp điều Việt Nam. Về phía chúng ta, nếu thiếu nguyên liệu thì ngành chế biến điều Việt Nam với hàng trăm ngàn lao động sẽ mất việc làm, trong khi sản lượng điều thô chỉ đáp ứng một nửa nhu cầu chế biến”, nhóm doanh nghiệp trong ngành cho hay.

Do đó, nhóm doanh nghiệp này đề nghị Vinacas ngay lập tức có văn bản kiến nghị với Chính phủ ngăn chặn ngay việc bán thiết bị, máy móc, chuyển giao công nghệ chế biến hạt điều cho các nước châu Phi. Đồng thời, đề nghị Vinacas và các tổ chức cá nhân ngừng ngay việc hợp tác với các nước châu Phi có vùng nguyên liệu hạt điều trong việc hỗ trợ, chuyển giao công nghệ chế biến điều và làm rõ trách nhiệm trong việc mở trường dạy nghề tại Bờ Biển Ngà.

 

 

Theo DT

Ý kiến của bạn

   Mã xác nhận  

Các tin khác