Tư tưởng Hồ Chí Minh với doanh nghiệp, doanh nhân 70 năm qua vẫn còn nguyên giá trị

Chiều ngày 6/5, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi gặp mặt thân mật Đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu tham dự “Diễn đàn Bác Hồ với doanh nghiệp, doanh nhân” và dự Lễ phát động phong trào thi đua doanh nhân Việt Nam học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực hướng tới kỷ niệm 126 năm ngày sinh Bác Hồ. Tại diễn đàn này, TS. Nguyễn Văn Thân, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam đã đọc tham luận với chủ đề “CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI DOANH NGHIỆP, DOANH NHÂN – TRỌNG TRÁCH VÀ NIỀM TIN” .

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm thích đáng, động viên và tạo niềm tin cho doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Doanh nhân là giới chức xã hội đầu tiên được Bác tiếp tại Phủ Chủ tịch. Đây là niềm vinh dự lớn lao đối với giới công thương Việt Nam. Ngày 13/10/1946, trong bức thư  động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của doanh nhân, Bác viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân đang phải cố gắng nỗ lực để giành lấy hoàn toàn nền độc lập, thì giới công thương cũng phải cố gắng nỗ lực để xây dựng nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng. Việc nước, việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là sự kinh doanh của các nhà công thương nghiệp thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong cuộc kiến thiết này…”.

Mùa thu năm 1945, Chính  phủ Cách mạng lâm thời mới thành lập, kinh tế kiệt quệ; Ngân quỹ Trung ương chỉ còn vẻn vẹn 1,25 triệu đồng Đông Dương, trong đó có 580 nghìn đồng rách nát chờ tiêu hủy; Nợ các khoản lên đến 564 triệu đồng. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập “Quỹ Độc lập” và “Tuần lễ vàng”, nhằm thu nhận hiện vật mà nhân dân quyên góp cho Chính phủ. Hưởng ứng lời kêu gọi và niềm tin nơi  Bác, các doanh  nhân, các nhà tư sản dân tộc đã đóng  góp vào “Quỹ Độc lập” và “Tuần lễ Vàng” trên 20 triệu đồng Đông Dương và khoảng 370 kg vàng, bảo đảm hoạt động cho chính quyền cách mạng những ngày đầu thành lập. Tiêu biểu là Doanh nhân Hoàng Thị Minh Hồ và Trịnh Văn Bô đã đóng góp 5.000 lượng vàng.

Trong bài “Toàn dân kháng chiến”, Người kêu gọi: “ Các nhà giàu có, mau mau góp vốn mở lại các công ty kinh doanh công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp, tài chính, giao thông để tích cực tăng gia sản xuất, lưu thông, buôn bán”. Có thể thấy rõ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi hoạt động của giới công thương là một bộ phận quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “ công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Cán bộ quản lý kinh tế người ví như tiền vốn của đoàn thể, đó chính là điều kiện quan trọng nhất của sản xuất kinh doanh và đảm bảo có lãi. Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế đất nước theo con đường CNXH, Người đặt yếu tố con người, cán bộ là tiêu chí then chốt. Muốn xã hội phát triển, phải có đội ngũ những người có tài năng, đức độ làm rường cột.“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”; quốc gia hưng thịnh hay suy vong phụ thuộc rất lớn vào việc trọng dụng nhân tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh có quan điểm, người tài là phải đi tìm. Để tìm được người tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các địa phương trong vòng một tháng phải điều tra báo cáo với Chính phủ về “ những người tài đức, những người có thể làm được những việc ích nước lợi dân ”, không phân biệt tôn giáo, thành phần kinh tế. Tiếp nữa là phải biết đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài một cách hợp lý, trao quyền và tạo hành lang pháp lí để người tài phát huy thế mạnh. Đơn cử là trường hợp ông Lê Văn Hiến, Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của nước ta. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông vừa hoạt động cách mạng, vừa kinh doanh sách báo tiến bộ, kinh doanh lương thực, hàng nông sản.  Cách mạng thành công, trân trọng tài, đức của ông, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời ông làm Bộ trưởng Bộ tài chính. Ông đã có công rất lớn trong việc xây dựng nền tài chính Việt Nam. Từ một nền tài chính kiệt quệ của một nhà nước non trẻ, bằng tài năng và tâm huyết, trong 12 năm,  ông đã lãnh đạo ngành tài chính vượt qua khó khăn, góp phần vào thành công cuộc kháng chiến chông thực dân Pháp.

Tư tưởng nhân văn của Hồ Chủ tịch về doanh nghiệp và doanh nhân, về mục tiêu phát triển nền kinh tế đất nước đã tạo được lòng tin như một lời hiệu triệu để tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, tạo làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tôi thiết nghĩ, về tổng thể, từ cuộc gặp gỡ của Chủ tịch Hồ Chí Minh với doanh nghiệp, doanh nhân năm 1946 tại Ba Đình – thủ đô Hà Nội  và hôm nay đây, cũng tại nơi đây, vừa tròn 70 năm, là buổi gặp gỡ của Chủ tịch nước với giới doanh nghiệp, doanh nhân. Tinh thần ấy xuyên suốt 70 năm đến hôm nay vẫn giữ nguyên giá trị, càng làm sâu sắc hơn ý nghĩa nhân văn nhưng rất thực tiễn giữa ý Đảng với nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Ý nghĩa của các cuộc gặp gỡ như những hội nghị “ Diên Hồng” để giới doanh nhân được phát biểu, hiến kế cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ và ngược lại, đều có chung một sứ mệnh cao cả là Đảng, Nhà nước, Chính phủ gửi thông điệp tạo niềm tin cho doanh nghiệp, cho xã hội, cho thị trường để tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân hăng hái sản xuất, kinh doanh, góp sức xây dựng phát triển đất nước…

  Trong bối cảnh chuyển đổi, phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của nước ta hiện nay, từ con cá, hạt gạo, trái cây cũng phải hội nhập và cạnh tranh lành mạnh trên trường Quốc tế. Nhà nhà, người người, ngành ngành đều phải thích ứng với hội nhập, vậy nên ý nghĩa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với điều hành đất nước nói chung và đối với giới doanh nghiệp, doanh nhân nói riêng vẫn còn nguyên giá trị.

Tôi thay mặt Hiệp hội doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam được trình bày những đề xuất, kiến nghị  với Chủ tịch nước những vấn đề  như sau:

 1.Đề nghị Chủ tịch nước phát động phong trào xây dựng nếp sống văn hóa trong doanh nghiệp; đó là văn hóa truyền thống gắn với văn hóa hội nhập. Bởi, văn hóa là nền tảng cho tất cả mọi thành công của mọi quốc gia và trong mọi lĩnh vực. Trong đó, luôn giữ dìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống: Đó là truyền thống yêu nước, trí thông minh và lòng dũng cảm; đó là lòng tự tôn dân tộc; là sự tri ân với các thế hệ cha anh đã hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; đó là  lòng tương thân tương ái; bên cạnh đó cần xây dựng một phong cách làm việc chuyên nghiệp trong mỗi doanh nhân, doanh nghiệp và có tính hợp tác cao, không chỉ doanh nghiệp với doanh nghiệp mà còn giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý Nhà nước.

2.Đề nghị Chủ tịch nước hiệu triệu cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hãy hành động để tạo làn sóng mạnh mẽ, mà nguồn sóng chính là các cơ quan kinh tế và các tập đoàn kinh tế của Nhà nước để khối doanh nghiệp nhỏ và vừa được hút theo.

3.Vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách thu hút nhân tài. Tuy nhiên, hiệu quả trong thực tế chưa cao. Chúng tôi kiến nghị Đảng và Nhà nước  cần có những chính sách cụ thể, linh hoạt, uyển chuyển hơn nữa để thu hút được nhiều nhân tài phụng sự đất nước.

4.Đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật hỗ trợ Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa để cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa bắt kịp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

5.Đề nghị Đảng và Nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể cho hoạt động của các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa từ trung ương đến địa phương.

Theo: doanhnghiepnet.com.vn

Ý kiến của bạn

   Mã xác nhận  

Các tin khác