Những Quyết định nào của Hội đồng trọng tài được xác định là phán quyết Trọng tài

Theo quy định của Luật Trọng tài thương mại (Luật TTTM) các bên đương sự có quyền yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài và Tòa án có thẩm quyền sẽ xem xét yêu cầu đó. Song trong quá trình hoạt động trọng tài, trọng tài có thể ban hành nhiều quyết định, ví dụ như quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời; quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên (khoản 1 Điều 43, Điều 58, 59 Luật TTTM)… Do đó, việc phân biệt quyết định nào của trọng tài được coi là phán quyết trọng tài là rất cần thiết, có ý nghĩa trong thực tiễn hoạt động; bởi lẽ, Tòa án chỉ xem xét yêu cầu của đương sự về việc hủy phán quyết trọng tài khi xác định đúng quyết định nào đó của Hội đồng trọng tài là phán quyết trọng tài.

 

Theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật TTTM thì: “Phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài”.

Như vậy, một quyết định của Hội đồng trọng tài chỉ được coi là phán quyết trọng tài khi nó chứa đựng hai yếu tố, một là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp; hai là quyết định này dẫn đến chấm dứt tố tụng trọng tài. Khi một quyết định của Hội đồng trọng tài hàm chứa đủ cả hai yếu tố đó thì mới coi là phán quyết trọng tài và Tòa án mới có thẩm quyền xem xét yêu cầu hủy quyết định đó của Hội đồng trọng tài.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì có hai loại quyết định được xác định đó là phán quyết trọng tài:

 

1. Loại quyết định thứ nhất: Quyết định công nhận thỏa thuận của các bên của Hội đồng trọng tài quy định tại Điều 59 Luật TTTM.

Quyết định này được hình thành từ việc Hội đồng trọng tài tiến hành hòa giải giữa các bên tranh chấp để các bên thỏa thuận với nhau về việc giải quyết tranh chấp.

Đây là một hình thức giải quyết tranh chấp chứa đựng nhiều mặt tích cực, nó giúp hóa giải mâu thuẫn, xóa bỏ bất đồng, tăng cường tinh thần đoàn kết giữa hai bên đương sự.

Hòa giải thành sẽ rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp, từ đó tiết kiệm được thời gian, sức lực, chi phí để tập trung trí tuệ, tâm sức cho hoạt động đầu tư, kinh doanh đem lại lợi ích cho thương nhân và xã hội.

Do đó, hòa giải trong tố tụng trọng tài luôn luôn được khuyến khích. Khi các bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ tranh chấp thì Hội đồng trọng tài phải lập biên bản hòa giải thành. Trong biên bản cần ghi rõ ngày, giờ, địa điểm tiến hành hòa giải; họ tên, địa chỉ của các bên tham gia hòa giải, nếu có người được ủy quyền tham gia hòa giải thì phải ghi rõ họ tên người được ủy quyền, số ngày văn bản ủy quyền. Hội đồng trọng tài kiểm tra nội dung và phạm vi ủy quyền và việc ủy quyền có hợp lệ hay không? Ủy quyền có rõ ràng hay không? Nếu việc ủy quyền không hợp lệ, nội dung ủy quyền không rõ ràng hoặc người ủy quyền không có quyền quyết định về những nội dung mà hai bên tranh chấp thì phải hướng dẫn cho đương sự làm lại việc ủy quyền để bảo đảm tính pháp lý thì mới tiến hành hòa giải.

Biên bản hòa giải thành cần ghi rõ nội dung hai bên thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ tranh chấp. Các vấn đề hai bên thỏa thuận được cần rõ ràng, cụ thể để dễ dàng cho việc thi hành thỏa thuận đó. Nếu có điểm nào hai bên thỏa thuận chưa rõ hoặc chung chung, không cụ thể như dùng từ “khoảng” để chỉ kích thước, số lượng; ví dụ khoảng 12m, A đồng ý trả cho B khoảng 1 tỷ đồng… thì Hội đồng trọng tài phải hướng dẫn cho họ thỏa thuận với nội dung rõ ràng. Sau đó tất cả các bên tranh chấp phải ký vào biên bản hòa giải thành và xác nhận của Trọng tài viên.

Trên cơ sở biên bản thỏa thuận giải quyết tranh chấp của các bên, Hội đồng trọng tài ra quyết định công nhận sự thỏa thuận đó. Quyết định này là chung thẩm, có giá trị như phán quyết trọng tài. Sau khi ban hành phán quyết sẽ chấm dứt tố tụng. Vì vậy, đây cũng là đối tượng mà đương sự có quyền yêu cầu Tòa án hủy; TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết.

Khi giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài thuộc trường hợp hòa giải thành cần phải hết sức lưu ý: đây là ý chí tự nguyện của đương sự, là lựa chọn của hai bên tranh chấp về tổ chức có thẩm quyền giải quyết, cũng như tố tụng trọng tài được tiến hành, pháp luật được áp dụng, nội dung mà hai bên đồng thuận… do đó, sau khi có quyết định công nhận thỏa thuận, nếu người yêu cầu hủy phán quyết trọng tài đưa ra các lý do quá trình trọng tài giải quyết đã vi phạm quy định của Luật TTTM, hoặc thỏa thuận trọng tài, quy tắc tố tụng thì phải áp dụng Điều 13 Luật TTTM, Điều 6 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC để xem xét. Tòa án không được căn cứ vào các vi phạm mà chính các đương sự đã biết hoặc các vấn đề mà chính các bên đã lựa chọn tiến hành, đã đồng thuận… nhưng nay lại phản đối để quyết định chấp nhận yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của một hoặc các bên.

Trên thực tế, đối với yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong trường hợp này do đương sự đã tự nguyện thỏa thuận, định đoạt, nên căn cứ Điều 13 Luật TTTM sẽ không chấp nhận các yêu cầu khiếu nại của đương sự, chỉ trừ trường hợp đương sự đưa ra được căn cứ chứng minh quyết định công nhận thỏa thuận của Hội đồng trọng tài hoàn toàn không đúng với thỏa thuận của các bên đương sự hoặc vi phạm điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật TTTM.

Khi xem xét theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật TTTM, Thẩm phán không được giải quyết lại nội dung của vụ án đã được trọng tài giải quyết; đồng thời phải căn cứ vào quy định tại điểm b khoản 3 Điều 68 Luật TTTM và Tòa án phải thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh thỏa thuận đó có xâm phạm lợi ích của người thứ ba hay không? Có xâm phạm lợi ích nhà nước, của dân tộc, của xã hội hay không? Nếu quyết định của Hội đồng trọng tài công nhận thỏa thuận hai bên đương sự không xâm phạm đến lợi ích của người thứ ba, không xâm phạm lợi ích nhà nước, của dân tộc, của xã hội, không xâm phạm đến an ninh, độc lập chủ quyền của dân tộc thì không được hủy phán quyết trọng tài mà phải xử lý theo hướng bác đề nghị của đương sự, không chấp nhận yêu cầu hủy phán quyết trọng tài.

2. Loại quyết định thứ hai: Quyết định trọng tài được ban hành, được ra đời trên cơ sở hoạt động xét xử của Hội đồng trọng tài sau khi đã giải quyết toàn bộ nội dung tranh chấp.

Đây chính là loại phán quyết trọng tài được quy định tại Điều 60 Luật TTTM, sẽ là đối tượng đương sự có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền hủy phán quyết. Phán quyết này phải có các nội dung theo quy định tại Điều 61 Luật TTTM. Khi có Trọng tài viên không ký tên vào phán quyết trọng tài, Chủ tịch Hội đồng trọng tài phải ghi việc này trong phán quyết trọng tài và nêu rõ lý do. Trong trường hợp này, phán quyết trọng tài vẫn có hiệu lực. Đây là điểm rất khác biệt với phán quyết của Tòa án. Các phán quyết của Tòa án khi giải quyết vụ việc dân sự, kinh tế… đều phải được tất cả các thành viên của Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết ký vào biên bản nghị án, bản gốc của phán quyết.

Phán quyết trọng tài được ban hành ngay tại phiên họp hoặc chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc phiên họp cuối cùng và được gửi cho các bên ngay sau ngày ban hành. Các bên có quyền yêu cầu Trung tâm trọng tài hoặc Hội đồng trọng tài vụ việc cấp bản sao phán quyết trọng tài.

Phán quyết trọng tài là chung thẩm và có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Hoạt động giải quyết tranh chấp trọng tài và hoạt động giải quyết tranh chấp của Tòa án có một vài điểm giống nhau, nó đều là hoạt động tài phán, thực hiện theo nguyên tắc biểu quyết theo đa số khi ra phán quyết. Tuy nhiên, giữa hai hoạt động này có nhiều điểm rất khác nhau về trình tự, thủ tục giải quyết.

Tòa án là cơ quan công quyền, nhân danh nhà nước, khi giải quyết tùy theo vụ hay việc mà tổ chức phiên tòa hay phiên họp, nhưng dù là vụ hay việc khi giải quyết theo trình tự sơ thẩm hay trình tự phúc thẩm, Hội đồng phải tuân theo thủ tục tố tụng rất chặt chẽ do luật định, được thực hiện thống nhất và khi thông qua phán quyết luôn theo nguyên tắc đa số, trừ việc đơn giản có một Thẩm phán giải quyết. Nếu một phiên tòa hay phiên họp các thành viên trong Hội đồng xét xử hay Hội đồng giải quyết việc dân sự, kinh doanh thương mại, khi biểu quyết mà có ý kiến quá khác nhau, không đạt được đa số thì không ban hành phán quyết. Dù sự kiện này hiếm khi xảy ra và luật không quy định bước tiếp theo phải làm thế nào, nhưng trên thực tế phiên tòa hay phiên họp đó phải hoãn lại và tổ chức lại phiên tòa, phiên họp để giải quyết vụ việc đó.

Còn đối với hoạt động tài phán của trọng tài, khi biểu quyết không đạt được đa số thì theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật TTTM “phán quyết trọng tài được lập theo ý kiến của Chủ tịch Hội đồng trọng tài”.

Về trình tự, thủ tục tố tụng trọng tài khá linh hoạt và mềm dẻo. Nếu là trọng tài quy chế (hay còn gọi là trọng tài thường trực) là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài theo quy định của Luật TTTM và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó. Nếu là trọng tài vụ việc (còn gọi là trọng tài Ad-hoc) cũng là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật TTTM nhưng trình tự, thủ tục do các bên thỏa thuận.

Trọng tài khi giải quyết luôn luôn tổ chức dưới hình thức phiên họp.

Về thành phần Hội đồng trọng tài cũng rất đặc thù, tuy gọi là Hội đồng trọng tài nhưng có khi chỉ có một Trọng tài viên, cũng có thể bao gồm nhiều Trọng tài viên. Số lượng Trọng tài viên của Hội đồng trọng tài là một người hay bao nhiêu người phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của các bên, theo sự thỏa thuận của các bên, chỉ khi các bên không thỏa thuận về số lượng Trọng tài viên thì Hội đồng trọng tài sẽ luôn luôn chỉ có ba Trọng tài viên (Điều 39 Luật TTTM);

Các bên có thể lựa chọn địa điểm, lựa chọn Trọng tài viên, thỏa thuận thủ tục giải quyết tranh chấp; nếu có yếu tố nước ngoài các bên còn có thể thỏa thuận luật áp dụng để giải quyết tranh chấp.

Khác với tố tụng dân sự, tố tụng trọng tài là không công khai (Điều 14, 54, 55 Luật TTTM). Trong mọi trường hợp phán quyết trọng tài đều là chung thẩm, có hiệu lực từ ngày ban hành. Chính sự linh hoạt, mềm dẻo và không có xét xử phúc thẩm trong tố tụng trọng tài nên thời gian giải quyết được nhanh hơn.

Tuy nhiên, để hạn chế sai sót vi phạm trong phán quyết trọng tài, trong Luật TTTM có quy định cơ chế kiểm soát phán quyết trọng tài thông qua yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của hai bên đương sự.

Tòa án chỉ hủy phán quyết trọng tài nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật TTTM. Khi xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, Hội đồng xét đơn không được xem xét, giải quyết lại nội dung vụ tranh chấp mà trọng tài giải quyết, và chỉ hủy phán quyết trọng tài khi có các tài liệu, chứng cứ rõ ràng chứng minh phán quyết đã vi phạm một trong căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật TTTM. Tuy nhiên, rất đáng tiếc trong thời gian qua có những trường hợp do không hiểu đầy đủ, không nắm vững các quy định của Luật TTTM nên đã hủy phán quyết trọng tài không đúng.

Tưởng Duy Lượng – Nguyên Phó Chánh án TANDTC

SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN NHÂN TỐI CAO

Trích dẫn từ: http://toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/Baiviet?p_page_id=1754190&p_cateid=1751909&item_id=147758174&article_details

Ý kiến của bạn

   Mã xác nhận  

Các tin khác