Bắt buộc đóng BHXH cho lao động ngắn hạn khó khả thi

Quy định bắt buộc đóng bảo hiểm cho lao động ngắn hạn từ 1 đến dưới 3 tháng được cho là sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực thâm dụng lao động.

Chưa kịp phát sổ bảo hiểm, lao động đã nghỉ

Từ 1/1/2018, bảo hiểm xã hội (BHXH) có nhiều thay đổi, trong đó có nội dung người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng cũng được tham gia BHXH bắt buộc. Trường hợp người lao động sau khi kết thúc hợp đồng lao động có thời hạn kể trên, doanh nghiệp sử dụng lao động có thể tiến hành ký kết Hợp đồng lao động mới vẫn là hợp đồng xác định thời hạn nhưng cũng chỉ được ký thêm 1 lần. Sau đó, nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết Hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Tuy nhiên, nhận định về quy định trên, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng không khả thi. Dẫn luôn thực trạng phổ biến trong ngành dệt may, ông Trường cho hay: Tỷ lệ nghỉ việc của lao động có hợp đồng từ 1-3 tháng rất cao, khoảng 50-60%. Chủ sử dụng lao động chưa kịp phát sổ bảo hiểm thì đối tượng này đã nghỉ việc, dẫn tới hiện tượng, doanh nghiệp lại nợ sổ bảo hiểm, mất thời gian tìm người lao động để trả. Về phía người lao động ngắn hạn khi đã nghỉ việc cũng không có cơ hội để được hưởng tiếp chế độ bảo hiểm.

Cũng từ ngày 1/1/2018, đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

“Một khi đã thấy không khả thi thì có nên làm không, hay nên tính phương án đợi tới khi người lao động đã ký hợp đồng ổn định từ 6 tháng tới 1 năm thì sẽ truy đóng nốt 3 tháng đầu”, ông Trường đề xuất. Qua đây, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng kiến nghị, với nhu cầu đặc thù sử dụng lao động theo mùa vụ, nên cho phép doanh nghiệp dệt may được thuê lại lao động. “Thực tế, khi cần thiết phục vụ hợp đồng, giữa các doanh nghiệp dệt may vẫn có sự chi viện nhưng không thể chính thức làm hợp đồng cho thuê lại”, ông Trường nói.

Bà Vi Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định: Việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho lao động ngắn hạn dưới 3 tháng là một chính sách nhân đạo của Nhà nước nhằm mở rộng đối tượng được hưởng chính sách an sinh xã hội. Bởi lẽ, tại Việt Nam số người tham gia BHXH mới chỉ chiếm khoảng 25% lực lượng lao động. Phần lớn trong số này là những người tham gia BHXH bắt buộc, lao động dưới 3 tháng hoặc làm việc theo thời vụ chiếm số lượng rất lớn nhưng lại không được tham gia BHXH.

Tuy nhiên, đối với những ngành thâm dụng lao động như: Dệt may, da giày, thủy sản… bà Minh cho rằng, quy định trên chắc chắn gây khó khăn và khó khả thi“. Từ ngày 1/1/2018, lương tối thiểu tăng, mức đóng BHXH cũng tăng, vậy mà áp dụng thêm đóng bảo hiểm bắt buộc cho lao động ngắn hạn từ 1 đến dưới 3 tháng càng làm gia tăng chi phí đáng kể. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp đơn thuần chỉ thực hiện gia công phục vụ xuất khẩu, tỷ lệ dịch chuyển lao động ngắn hạn rất cao. Trong khi đó, thủ tục mở sổ bảo hiểm rồi chốt sổ cũng mất thời gian chứ đâu có thể ngày một, ngày hai là xong. Nếu xử lý không tốt rất dễ doanh nghiệp bị quy trách nhiệm trốn đóng bảo hiểm”, bà Minh lý giải.

Nên có cơ chế mềm

Theo bà Vi Thị Hồng Minh, nếu thấy quy định bất cập, giới chủ sử dụng lao động hoàn toàn có thể kiến nghị chính thức bằng văn bản để được xem xét và giải quyết. Về phía cơ quan chức năng, bà Minh cũng nêu đề xuất: “Nên chăng có cơ chế “mềm” trong quy định đóng BHXH bắt buộc đối với những ngành nghề đặc thù”.

Liên quan tới vấn đề trên, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó trưởng ban Chính sách bảo hiểm (BHXH Việt Nam) nhận định: Quy định của nhà nước mở rộng đối tượng tham gia BHXH với lao động dưới 3 tháng là điểm tích cực. Quy định này cũng nhằm hạn chế thực trạng từ các doanh nghiệp ký hợp đồng dưới 3 tháng để né luật, trốn đóng BHXH cho người lao động.

“Trên thực tế việc quản lý số đối tượng có hợp đồng lao động từ 1 - 3 tháng đặt ra gánh nặng cho BHXH và cơ quan quản lý lao động. Bởi những đối tượng này rất biến động. Hơn nữa, trong ý thức người sử dụng lao động họ cũng không muốn phải bỏ ra những khoản chi phí để đóng BHXH cho đối tượng này. Tuy nhiên, luật đã có quy định nên trách nhiệm của các cơ quan trong BHXH phải thực hiện chặt chẽ hơn đối với cơ quan quản lý lao động, để nắm bắt được đối tượng, đôn đốc thu BHXH. Chúng tôi cũng xác định đây là việc làm rất khó”.

Trước đề xuất thay vì đóng BHXH bắt buộc cho lao động ngắn hạn dưới 3 tháng, chủ sử dụng lao động có thể trả khoản phí đóng BHXH vào lương, ông Thọ cho rằng đó là việc làm trái luật. “Hiện thủ tục đăng ký tham gia BHXH đã rút gọn nhiều trong quy trình tham gia BHXH. Xét về kỹ thuật, cơ quan BHXH hoàn toàn có thể thu được nhưng quản lý làm sao để phát hiện ai thuộc đối tượng đó để đưa vào diện đối tượng thu vẫn còn là thách thức”,

Ý kiến của bạn

   Mã xác nhận  

Các tin khác